Xanthan gum là một loại phụ gia làm dày thực phẩm được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực khác nhau. Cùng Science Vietnam tìm hiểu Xanthan Gum là gì và những lợi ích – rủi ro khi sử dụng chúng nhé.
Khái niệm: Xanthan gum là gì?
Xanthan gum là một loại phụ gia làm dày thực phẩm được tổng hợp từ vi khuẩn có trong nhiều loại thực vật. Xanthan gum là một thành phần có trong nhiều loại thực phẩm cũng như các sản phẩm kem đánh răng. Mặc dù có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe nhưng mục đích sử dụng chủ yếu của xanthan gum là để thay đổi cấu trúc thực phẩm, không phải cho bất kỳ nhu cầu sức khỏe cụ thể nào.
Xanthan gum là một loại polysaccharide do vi khuẩn Xanthomonas campestris tổng hợp nên thông qua quá trình lên men. Xanthomonas campestris có mặt trong các loại cây họ cải như bắp cải, bông cải và cải mầm Brussels. Chúng làm cho cây bị thối đen và héo dần.
Các nhà sản xuất tạo ra xanthan gum bằng cách phân lập vi khuẩn từ nhiều loại thực vật khác nhau. Xanthan gum thành phẩm không chứa bất kỳ vi khuẩn nào, do đó người tiêu dùng không cần phải lo lắng về nguy cơ nhiễm khuẩn của loại phụ gia này.
Sự thật về xanthan gum:
- Xanthan gum giúp làm dày thực phẩm cũng như các sản phẩm khác, đồng thời ngăn không cho các thành phần bị tách lớp.
- Các sản phẩm phi thực phẩm như dầu và mỹ phẩm cũng chứa xanthan gum.
- Xanthan gum có thể giúp hạ hoặc ổn định lượng đường trong máu.
- Một số người không xem xanthan gum là một loại thực phẩm cũng như phụ gia thực phẩm.
Lợi ích về mặt sức khỏe
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra xanthan gum có thể cải thiện một số vấn đề về sức khỏe như:
Giúp làm giảm hay ổn định lượng đường trong máu
Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng xanthan gum có thể làm giảm chỉ số GI của gạo. Một nhóm người sau khi ăn cơm được áo bằng một lớp xanthan gum thì lượng đường trong máu đã giảm. Lợi ích này có ý nghĩa nhất khi những người tham gia nghiên cứu sử dụng gạo được phủ xanthan gum thay vì sử dụng xanthan gum trước hoặc sau bữa ăn.
Do đó, thực phẩm có chứa xanthan gum mang lại lợi ích hạ đường huyết hơn cả. Xanthan gum cũng có thể ổn định lượng đường trong máu. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy khi trộn xanthan với beta-glucan (một loại đường có trong thực vật) có thể giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.
Giúp làm giảm hàm lượng cholesterol
Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi dùng xanthan gum với liều lượng rất cao có thể làm giảm mức cholesterol trong máu. Nghiên cứu năm 1987, đã phát hiện ra rằng những người đàn ông tiêu thụ xanthan gum trong khoảng 3 tuần đã giảm được 10% cholesterol.
Có rất ít bằng chứng cho thấy xanthan gum có hiệu quả trong điều trị chỉ số cholesterol cao. Nghiên cứu mới hơn vẫn chưa được thực hiện để xác nhận điều này.
Thay thế nước bọt và điều trị khô miệng
Xanthan gum có thể là một chất thay thế nước bọt hữu ích và an toàn cho những người bị khô miệng mãn tính. Trên thị trường có một số loại kem đánh răng dành cho người khô miệng chứa xanthan gum có tác dụng khóa độ ẩm.
Thuốc nhuận tràng
Xanthan gum có khả năng liên kết với nước do đó khi đi vào ống tiêu hóa nó sẽ trương nở giúp ruột giữ ẩm và hỗ trợ các chức năng của đường tiêu hóa.
Giúp người bệnh dễ nuốt hơn
Một số bệnh có thể làm cho hoạt động nuốt trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi miệng và cổ họng bị khô. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy xanthan gum có thể giúp những người mắc chứng khó nuốt nuốt thức ăn một cách an toàn hơn.
Xanthan gum làm điều này bằng cách làm đặc thức ăn và nước bọt giúp cả hai dễ dàng di chuyển xuống cổ họng. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc nghẹn và làm cho việc ăn uống trở nên an toàn hơn.
Điều trị ung thư
Xanthan gum có thể điều trị được một số dạng ung thư bằng cách làm chậm sự phát triển của chúng. Một nghiên cứu năm 2009 tiến hành trên những con chuột bị ung thư da có khối u ác tính. Những con được điều trị bằng xanthan gum sống lâu hơn và khối u của chúng cũng phát triển chậm hơn.
Vai trò đối với thực phẩm không chứa gluten
Đối với những người mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten) và gluten-sensitivity (nhạy cảm với gluten) khi ăn phải thực phẩm có chứa gluten có thể gây đau bụng dữ dội, tiêu chảy và các triệu chứng khó chịu khác. Bột và các thành phần khác trong nhiều món nướng có chứa gluten.
Sản phẩm không chứa gluten sử dụng các chất thay thế làm cho chúng có kết cấu và tính linh hoạt giống với bánh mì có chứa gluten. Xanthan gum giúp làm dày thực phẩm, liên kết độ ẩm và cải thiện các đặc tính của món nướng không chứa gluten.
Bạn có thể dễ dàng tìm mua xanthan gum trên các trang web bán hàng online.
Các rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe
Xanthan gum là một loại polysaccharide thuộc họ cacbohydrate, đóng vai trò như một chất nhũ hóa. Có một số chất nhũ hóa không có khả năng làm thay đổi vi khuẩn đường ruột, ngoài ra còn gây viêm ruột và các tình trạng khác như bệnh Corhn hay viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, xanthan gum không có các đặc điểm như vừa nêu trên. Không có bằng chứng cụ thể nào đề cập đến những ảnh hưởng có hại của xanthan gum.
Năm 1987, các nhà nghiên cứu đã mời năm người đàn ông sử dụng xanthan gum mỗi ngày trong hơn ba tuần. Thực tế cho thấy không có ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe thậm chí còn cải thiện tình trạng hiện tại. Những kết quả này giúp khẳng định rằng xanthan gum an toàn cho hầu hết mọi người.
Tuy nhiên, có một vài đối tượng xanthan gum được xem là không an toàn. Những người đó bao gồm:
- Những người đang bị tiêu chảy hoặc đau dạ dày : Vì xanthan gum có khả năng liên kết độ ẩm trong đường tiêu hóa do đó sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy của bạn nặng hơn.
- Những người có tiền sử không tự chủ trong vấn đề đại tiện : Vì xanthan gum hoạt động như thuốc nhuận tràng khiến cho việc kiểm soát của bạn trở nên khó khăn hơn.
- Dị ứng: Những người có tiền sử dị ứng với xanthan gum.
- Những người dị ứng với cây họ cải như bông cải xanh, bắp cải hoặc cải xoăn : Xanthan gum được tổng hợp từ vi khuẩn sống trên những loại cây này. Do đó, các sản phẩm chứa xanthan gum có thể sẽ bị nhiễm chéo.
- Những người bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, đặc biệt là thực vật, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng xanthan gum.
Xanthan gum được dùng để làm gì?
Xanthan gum thường được sử dụng cho hai mục đích chính:
- Là một chất làm dày/ đặc: Xanthan gum được thêm vào kem đánh răng và một số sản phẩm khác để giữ cho chúng có độ dày nhất định. Nó cũng được sử dụng trong công nghiệp như làm dày dầu khoan.
- Là một chất nhũ hóa: Xanthan gum giúp cho các sản phẩm hạn chế tình trạng tách lớp do có khả năng liên kế độ ẩm giữa các thành phần lại với nhau. Vì lý do này, nó là một thành phần trong một số loại dầu trộn salad và mỹ phẩm.
Một số chất thay thế cho xanthan gum
Dưới đây là một số lựa chọn thay thế cho xanthan gum có thể làm dày và đảm bảo kết cấu đồng đều của thực phẩm:
- Chất xơ psyllium hoạt động như một tác nhân liên kết và làm giàu chất xơ cho thực phẩm.
- Hạt chia hấp thụ nước, trương nở và làm cho thực phẩm sệt hơn.
- Gelatin giúp giữ ẩm thực phẩm và duy trì trạng thái đồng đều.
- Agar là một chất thay thế thuần chay giúp làm đặc thực phẩm giống như gelatin.
- Hạt lanh đất có thể liên kết thực phẩm và thúc đẩy một kết cấu đồng đều hơn.
- Khoai tây, bột hoàng tinh hoặc tinh bột ngô cũng có thể cải thiện kết cấu, độ dày và các đặc tính khác của thực phẩm lạnh và nướng.
Tóm lại
Xanthan gum có mặt trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nó không phải là thuốc cũng không phải là chất bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên các sản phẩm chứa xanthan gum có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Những người quan tâm đến việc dùng thử xanthan gum nên cân nhắc và chỉ xem nó như một sự bổ sung cho liệu trình điều trị của mình. Nghiên cứu về lợi ích của xanthan gum còn hạn chế và không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể thay thế thuốc hoàn toàn.
Tuy nhiên, nó có thể cải thiện tác dụng của một số loại thuốc, làm cho thức ăn ngon hơn, giúp những người gặp vấn đề về nuốt và khô miệng thưởng thức thức ăn dễ dàng hơn.
Bản quyền bài viết thuộc về Science Vietnam. Vui lòng để lại nguồn và link bài viết khi sao chép.