Chiều ngày 12/1 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến bột trà hòa tan từ trái vả (Ficus auriculata) tại tỉnh Thừa Thiên – Huế” tại Hà Nội. Đề tài do TS. Võ Tấn Hậu làm chủ nhiệm thực hiện cùng các cộng sự tại Viện Công nghiệp Thực phẩm. Thay mặt nhóm nghiên cứu đề tài, TS. Võ Tấn Hậu – Chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình thực hiện, kết quả nghiên cứu đề tài.
Theo TS. Võ Văn Hậu, hiện nay, các chế phẩm polyphenol trích ly từ nguồn nguyên liệu thực vật đã trở nên phổ biến trong công thức phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm cũng như sử dụng làm phụ gia chế biến từ thịt và thủy sản. Cây vả (Ficus auriculata) được trồng nhiều nhất là ở vùng miền Trung với sản lượng khoảng 100 tấn mỗi năm với giá bán khá rẻ. Trên cơ sở đó, đề tài đã được nhóm nghiên cứu với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái vả và phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu; xây dựng quy trình công nghệ chế biến bột trà hòa tan giàu polyphenol từ nguồn nguyên liệu trái vả.
Để hoàn thành mục tiêu nghiên cứu trên, nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng kết hợp phương pháp công nghệ với phương pháp phân tích (hóa học, vi sinh, thiết bị và cảm quan) cũng như mô hình toán học dùng để khảo sát và tối ưu hóa các thông số quá trình trích ly polyphenol từ trái vả cũng như xác lập công thức phối chế sản phẩm.
Nhóm nghiên cứu đã lấy được tiêu chuẩn nguyên liệu đầu đầu vào bằng xác định thành phần dinh dưỡng của trái vả với hàm lượng polyphenol tổng: 19,17 mg GAE/g mẫu khô và flavonoid tổng: 20,16 mg CE/g mẫu khô; xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất chế phẩm polyphenol quy mô 20 kg nguyên liệu/mẻ; sản xuất đủ 50 kg sản phẩm bột trà và hòa tan.
Ngoài ra đề tài đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho bột trà và hòa tan và sơ đồ cân bằng vật chất của quy trình sản xuất cũng như ước tính giá thành sản phẩm trà vả hòa tan.
Các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Kết quả nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Các sản phẩm của đề tài đáp ứng được yêu cầu về mặt khoa học và thực tiễn. Chất lượng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu theo hợp đồng với Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã bổ sung, góp ý vào một số nội dung trong đề tài còn thiếu sót, chưa phù hợp với thực tiễn. Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài, sớm đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào áp dụng trong thực tiễn.