Tổ chức phi chính phủ (NGOs) hiện nay được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Việc tham gia vào các tổ chức này giúp cho các Bạn rất nhiều về kỹ năng cũng như kiến thức. Vậy cùng Science Vietnam tìm hiểu về khái niêm NGOs là gì nhé.
Định nghĩa
Tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organizations, gọi tắt là NGOs) đã tồn tại hàng trăm năm trên thế giới dưới nhiều dạng khác nhau. Nguồn gốc xa xưa của NGOs vốn là những nhóm nhỏ làm từ thiện. Tiêu chí hoạt động của các tổ chức này là cứu trợ nhân đạo đối với nạn nhân chiến tranh, thiên tai và nghèo đói, không phân biệt chính kiến và địa dư. Cho tới nay trên thế giới, các nước có quan điểm khác nhau về phân loại và định nghĩa về NGOs.
* Một số nước coi tất cả các tổ chức không phải của chính phủ là các NGOs;
* Theo luật pháp một số nước, các tổ chức NGOs bao gồm các chủ thể có tư cách pháp nhân, là những tổ chức không thuộc chính phủ như các Viện, các tổ chức tư nhân hay công cộng hoặc các Quỹ… Các NGOs đó là những tổ chức phi lợi nhuận, được lập ra hợp pháp và có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước đó và theo pháp luật của nước cho đặt trụ sở chính.
* Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, các NGOs là bất kỳ tổ chức quốc tế nào được lập ra không phải do một thoả thuận liên chính phủ quốc tế, nhưng NGOs đó có thể bao gồm các tổ chức có thành viên do chính phủ cử ra, với điều kiện thành viên đó không được can thiệp vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của tổ chức đó.
Có thể rút ra đặc điểm chung của loại hình tổ chức này là được thành lập một cách tự nguyện và hợp pháp, không thuộc bộ mày hành chính nhà nước và không nhằm mục đích lợi nhuận.
* Quan niệm về Tổ chức phi chính phủ ở nước ta được hiểu như sau là tổ chức tự nguyện của nhân dân, có tư cách pháp nhân: Tập hợp những cá nhân có cùng đặc trưng, cùng ngành nghề, giới, sở thích, nhu cầu v.v… Hoạt động một cách thường xuyên để thực hiện mục tiêu chung là không vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Theo quan niệm trên thì “đoàn thể nhân dân” bao gồm hầu hết các tập hợp tổ chức nhân dân như: Câu lạc bộ, Hội, Hiệp hội, Liên hiệp hội. Tổ chức phi chính phủ mang tính quốc gia (National Non Governmental Organization. Gọi là NNGO tổ chức các thành viên đều mang một quốc tịch).
Phân loại
Ba loại NGOs hiện đang hoạt động trên thế giới:
- Tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia;
- Tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế;
- Tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ;
Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia (National Non-Governmental Organizations, gọi tắt là NNGOs) là tổ chức mà các thành viên đều mang một quốc tịch. Các tổ chức này xuất hiện trên thế giới rất sớm. Phạm vi hoạt động chủ yếu phục vụ cho từng cộng đồng, hoạt động trong phạm vi một nước. Về số lượng, NNGOs chiếm đa số tuyệt đối.
Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế (International Non-Governmental Organizations, gọi tắt là INGOs) là tổ chức mà các thành viên của nó mang nhiều quốc tịch khác nhau sáng lập ra. Về số lượng, INGOs ít hơn nhiều so với NNGOs. Phạm vi hoạt động của INGOs rộng khắp trên thế giới, nhưng INGOs phải tuân theo luật pháp của nước nhận sự hợp tác.
Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ (Governmental Non-Governmental Organizations, gọi tắt là GONGOs) là các tổ chức do chính phủ lập ra hoặc một NGO nào đó hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Ví dụ: Chương trình phát triển DED của Đức; SNV của Hà Lan đang có chương trình viện trợ cho Việt Nam.
Viện trợ
Viện trợ NGOs được thể hiện dưới ba hình thức chủ yếu là viện trợ thông qua các chương trình, dự án (viện trợ để thực hiện các chương trình/dự án), viện trợ phi dự án (viện trợ bằng tiền hay hiện vật) và viện trợ khẩn cấp trong trường hợp có thiên tai hoặc tai hoạ khác. Khác với nguồn viện trợ chính thức (ODA), viện trợ NGO là loại viện trợ không hoàn lại, mang tính nhân đạo và phát triển, có thủ tục nhanh gọn và đơn giản. Quy mô dự án thường không lớn (từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đô la Mỹ, thời gian thực hiện không dài (từ vài tháng đến 1-2 năm) nhưng thường đáp ứng kịp thời, sát với nhu cầu và phù hợp với khả năng quản lý, sử dụng của nơi nhận viện trợ.
Hiện nay, nhiều nước phát triển đã dành một phần viện trợ ODA cho các nước đang phát triển thông qua NGOs. Số tiền viện trợ thông qua NGOs khá lớn, ngày một tăng và trên thực tế đã hỗ trợ đáng kể cho các chương trình kinh tế-xã hội của các nước đang phát triển. NGOs còn nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tôn giáo, từ các quỹ từ thiện tư nhân, từ quyên góp với nhiều hình thức khác nhau.