Thực phẩm siêu chế biến là các loại thực phẩm được chế biến theo lối công nghiệp với từ 5 thành phần trở lên.
Con người, hay nói chính xác là tổ tiên của chúng ta đã biết chế biến thực phẩm từ 1,8 triệu năm trước. Các hình thức chế biến thường thấy như rang, sấy, xay… có thể làm cho thực phẩm trở nên ngon hơn, an toàn, bổ dưỡng hơn và đặc biệt là bảo quản được lâu hơn.
Nói không quá thì chính việc phát minh ra thực phẩm chế biến đã giúp tổ tiên của chúng ta rảnh tay để thuộc địa hóa mọi môi trường sống đa dạng trên Trái Đất, sau đó tiến tới phát triển các khu định cư và xây dựng nền văn minh.
Vậy để nói chế biến thực phẩm thực ra không xấu. Nhiều loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng ngày nay như ngũ cốc, pho mát, cá khô và rau muối thực ra cũng là thứ mà tổ tiên chúng ta cũng đã tiêu thụ từ hàng ngàn năm trước.
Nhưng cho đến gần đây, vấn đề với thực phẩm chế biến mới nảy sinh khi một thế hệ thực phẩm được gọi là “siêu chế biến” ra đời. Đó là những sản phẩm trải qua nhiều công đoạn xử lý cơ học và hóa học mới, chẳng hạn như nước ngọt, bánh kẹo, bánh mì công nghiệp, thức ăn nhanh, sứa có đường và các món tráng miệng đông lạnh.
Bảng phân loại thực phẩm NOVA trên tạp chí khoa học dinh dưỡng World Nutrition định nghĩa: Thực phẩm siêu chế biến là các loại thực phẩm được chế biến theo kiểu công nghiệp với từ 5 thành phần trở lên. Các thành phần này ngoài muối, đường, chất chống oxy hóa, chất ổn định, bảo quản còn có chứa các thành phần lạ, không thường được sử dụng trong ẩm thực ví dụ như: casein, lactose, whey, gluten, dầu hydro hóa, protein hydrolysed, protein đậu nành cô đặc, maltodextrin, xi-rô ngô hàm lượng cao fructose (HFCS)…
Điểm chung của các loại thực phẩm siêu chế biến là chúng được làm trên những dây chuyền lớn. Đầu vào của thực phẩm chỉ là các nguyên liệu rẻ tiền nhưng đầu ra là các sản phẩm có màu sắc và hương vị rất hấp dẫn có thể bán với giá cao.
Thật không may, những thực phẩm siêu chế biến này lại có tác hại khủng khiếp đối với sức khỏe. Và ở thời đại này, chúng ta lại đang tiêu thụ chúng nhiều hơn bao giờ hết – một phần là do hoạt động quảng cáo, tiếp thị và vận động hành lang tích cực của chính những ông lớn trong ngành thực phẩm.
Thực phẩm siêu chế biến đang gây hại cho sức khỏe của chúng ta
Trong một nghiên cứu đánh giá tổng hợp trên tạp chí Nutrients, các nhà khoa học tại Đại học Deakin, Australia đã phát hiện nhiều loại thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường type 2, ung thư, ốm yếu, trầm cảm và bao trùm là một tỷ lệ tử vong cao hơn.
Những tác hại này có thể xuất phát từ thành phần kém dinh dưỡng của thực phẩm siêu chế biến. Chúng phần lớn đều là những thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo chuyển hóa. Ngoài ra, nếu bạn có xu hướng ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ ăn ít thực phẩm tươi và lành mạnh hơn
Thứ hai, bản thân quá trình chế biến công nghiệp cũng có thể gây hại. Ví dụ, một số chất phụ gia thực phẩm có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột của chúng ta, gây viêm. Trong khi đó, bao bì nilon dùng để bọc thực phẩm có thể rò rỉ các chất nhựa ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết tố.
Thứ ba, các thực phẩm siêu chế biến thường được thiết kế để “gây nghiện”. Đường, hương vị, mùi thơm và cảm giác ngon miệng luôn khiến bạn thòm thèm khi đã ăn hết một khẩu phần của chúng. Tiêu thụ quá mức thực phẩm siêu chế biến không chỉ gây hại cho bản thân bạn, mà còn gây hại cho môi trường vì bao bì của chúng phần lớn có nguồn gốc từ nhựa và rất khó phân hủy.
Con người đang ngày càng ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, các nhà khoa học tại Đại học Deakin nhận thấy doanh số bán thực phẩm siêu chế biến đang có xu hướng bùng nổ khắp trên thế giới.
Thực phẩm siêu chế biến có doanh số bán hàng cao nhất ở các quốc gia giàu có như Australia, Hoa Kỳ và Canada. Theo thống kê tại Pháp có khoảng 14,2% thực phẩm được bán ra thuộc nhóm siêu chế biến.
Con số ở một số nước Châu Âu còn cao hơn thế rất nhiều. Cụ thể, tỷ lệ thực phẩm bán ra ở Anh thuộc nhóm siêu chế biến là 50,7%, ở Đức là 46,2% và Ireland là 45,9%.
Nhưng các nước có thu nhập trung bình và dân số lớn như Trung Quốc, Nam Phi và Brazil cũng đang tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ngày càng mạnh. Các nhà khoa học vì thế đã phải đặt câu hỏi: Điều gì đã khiến cho doanh số thực phẩm siêu chế biến tăng nhanh trên quy mô toàn cầu?
Thu nhập ngày càng tăng, nhiều người sống ở thành phố hơn và các gia đình trở nên bận rộn với công việc nên tìm đến sự thuận tiện của thực phẩm siêu chế biến là ba trong số các yếu tố góp phần vào xu hướng này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết rõ ràng là các tập đoàn sản xuất thực phẩm, các ông lớn trong ngành này như Coca-Cola, Nestlé và McDonald’s cũng đang thúc đẩy mạnh việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến – trên quy mô toàn cầu.
Bằng chứng là ở các quốc gia có sự hiện diện hạn chế của các nhãn hàng siêu thực phẩm, tăng trưởng doanh số bán hàng của họ thấp hơn hẳn các quốc gia khác.
Nhưng trong xu hướng toàn cầu hóa, các tập đoàn thực phẩm lớn đang đầu tư rất mạnh mẽ cho thị trường đa quốc gia ở nước ngoài của mình. Ví dụ, hệ thống của Coca-Cola hiện bao gồm 900 nhà máy đóng chai trên toàn thế giới. Với con số này, họ có thể phân phối 2 tỷ khẩu phần nước ngọt mỗi ngày.
Khi các ông lớn trong ngành thực phẩm siêu chế biến bước vào quá trình toàn cầu hóa, quảng cáo và khuyến mãi của họ cũng trở nên phổ biến hơn. Các công nghệ kỹ thuật số mới, chẳng hạn như trò chơi điện tử, được sử dụng để nhắm mục tiêu đến trẻ em.
Bằng cách thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân trực tuyến, các công ty thực phẩm đa quốc gia thậm chí có thể nhắm mục tiêu quảng cáo của họ và cá nhân hóa chúng để bán được nhiều hàng hơn nữa.
Tại các nước đang phát triển, các hệ thống siêu thị bây giờ cũng ngày càng phổ biến. Đó là những cánh tay nối dài giúp cung cấp thực phẩm siêu chế biến trên quy mô lớn với giá cả thấp.
Ở những quốc gia thu nhập thấp, không có siêu thị, các công ty thực phẩm cũng có chiến lược phân phối hiệu quả có thể sử dụng. Ví dụ: Nestlé ở Brazil bây giờ đã xây dựng hẳn một lực lượng bán hàng “tận nơi”, giúp họ tiếp cận hàng nghìn hộ gia đình nghèo sống trong các khu ổ chuột thành thị.
Chúng ta cần thay đổi
Các nhà khoa học đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy thực phẩm siêu chế biến đang gây hại cho sức khỏe của chúng ta và cả hành tinh. Điều đó đặt ra một lợi ích ngược lại: Tiêu thụ ít thực phẩm siêu chế biến sẽ giúp sức khỏe của chúng ta được cải thiện, hành tinh của chúng ta trở nên bền vững.
Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào?
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tại Đại học Deakin đề xuất ba giải pháp: Đầu tiên là phải xây dựng và áp dụng các luật mới liên quan đến thực phẩm siêu chế biến.
Các loại hình thuế mới như thuế đường cũng có thể có hiệu quả, trong khi các quy định về tiếp thị và quảng cáo cho phép hạn chế sự hiện diện của thực phẩm siêu chế biến tới trẻ em – nhóm dân số dễ bị ảnh hưởng nhất.
Thứ hai, chính phủ các quốc gia nên xây dựng khuyến cáo chế độ ăn uống, trong đó nhấn mạnh vào việc định lượng các loại thực phẩm siêu chế biến. Brazil và các nước Mỹ Latinh đã và đang làm rất tốt điều này.
Cuối cùng, với tư cách cá nhân, các nhà khoa học khuyên rằng mỗi người dân cần tìm hiểu kỹ tác hại của các loại thực phẩm siêu chế biến.
Họ cần được trang bị những kiến thức và thói quen đọc nhãn và bao bì thực phẩm, nhận diện các loại thực phẩm kém lành mạnh thay vì chỉ nhìn vào hình thức bắt mắt của chúng, cũng như hình ảnh các công ty thực phẩm xây dựng cho thực phẩm của mình qua các quảng cáo.
Bản quyền bài viết thuộc về đội ngũ Science Vietnam. Vui lòng để lại nguồn và link bài viết khi sao chép.