Siêu thị Pháp dán mác ‘lừa đảo’ với các sản phẩm âm thầm giảm sản lượng và giữ nguyên giá bán

0
20

Giảm kích cỡ sản phẩm để không phải tăng giá là một chiêu trò thường thấy để lừa dối khách hàng của các nhà sản xuất khi không muốn mất doanh số lẫn lợi nhuận thời lạm phát.

Hãng tin CNN cho hay chuỗi siêu thị Pháp Carrefour mới đây đã quyết định dán nhãn cảnh báo lên tất cả các sản phẩm “giữ giá giảm lượng”, từ những thanh chocolate Lindt, gói trà Lipton cho đến hàng loạt các sản phẩm của nhà Unilever, Pepsi hay Nestle khác.

Cụ thể, Carrefour sẽ dán nhãn đối với các mặt hàng tiêu dùng bí mật giảm số lượng hay kích thước nhưng vẫn giữ nguyên giá hoặc thậm chí còn tăng cao hơn để đánh lừa khách hàng.

Hiện tượng giảm đơn vị sản phẩm này được các nhà kinh tế học gọi là “Thu hẹp do lạm phát” (Shrinkflation) khi các mặt hàng bị thu nhỏ về kích cỡ hoặc số lượng, hoặc thậm chí đôi khi thay đổi công thức, giảm chất lượng trong khi giá của mặt hàng trên vẫn như cũ hoặc tăng thêm.

Nguyên nhân chính là các hãng buộc phải cắt giảm đơn vị sản phẩm, bán ít hơn trên mỗi thành phẩm để giữ giá, qua đó tránh việc bị mất doanh số trong thời buổi lạm phát cũng như giữ được hình ảnh thương hiệu.

Thậm chí với danh nghĩa lạm phát lên cao, nhiều hãng dù giảm lượng nhưng vẫn nâng giá, bất kể giá nguyên liệu của một số mặt hàng đã được bình ổn.

Chính điều này đã khiến Carrefour quyết định có động thái dán nhãn “dằn mặt” các thương hiệu nhằm đạt được lợi thế trong cuộc đàm phán tháng 10/2023 tới đây về việc điều chỉnh giá bán với các nhà cung ứng.

“Mục đích của chúng tôi là khiến các nhà sản xuất xem xét lại chiến lược về giá của họ”.

Giám đốc truyền thông Stefen Bompais của Carrefour nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, CEO Alexandre Bompard của Carrefour cho biết các hãng sản xuất hàng tiêu dùng đang không hợp tác khi để vô số sản phẩm tăng giá dù nhiều nguyên liệu đã được bình ổn về chi phí.

Mác “lừa đảo”

Kể từ ngày 11/9/2023, Carrefour đã dán nhãn 26 mặt hàng tại Pháp với dòng chữ: “Sản phẩm này đã giảm lượng để giữ hoặc tăng giá bán cho nhà cung ứng”.

Ví dụ Carrefour cho hay một hộp trà đào không đường Lipton của Pepsi đã giảm từ 1,5 lít xuống chỉ còn 1,25 lít nhưng vẫn giữ giá bán, tương đương với mức tăng giá 40% trên mỗi lít.

Tương tự sữa bột trẻ em Guigoz của Nestle cũng đã giảm từ 900 gr xuống còn 830 gr, bánh kem Viennetta của Unilever giảm từ 350 gr xuống 320 gr dù vẫn giữ hoặc thậm chí tăng giá.

Phía Carrefour cho biết hãng sẽ tiếp tục áp dụng dán nhãn trên mọi chi nhánh cho bất kỳ sản phẩm nào chơi trò “giữ giá giảm lượng” và có thể lan sang cả những sản phẩm khác ngoài tiêu dùng. Tuy nhiên chuỗi siêu thị này chỉ giới hạn quy mô ở Pháp.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Pháp cùng nhiều nước Châu Âu đang đối mặt với nỗi đau lạm phát khi giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trước áp lực của chính phủ, các nhà sản xuất đã phải đồng ý một cuộc đàm phán về giá cả trong thời gian tới nhằm xoa dịu sự bức xúc của người dân.

Hãng tin Bloomberg cho biết với tình hình lạm phát như hiện nay, người tiêu dùng sẽ chẳng thể làm gì nhiều nếu vẫn muốn mua hàng với mức giá cũ.

Họ sẽ buộc phải chấp nhận chất lượng sản phẩm sẽ không còn như trước, hoặc phải chịu bỏ tiền nhiều hơn.

Theo Bloomberg, việc cắt giảm đơn vị sản phẩm này thường diễn ra với những thương hiệu lớn nhằm giữ uy tín, do đó khách hàng có thể thử tìm đến những nhãn hàng ít nổi tiếng hơn.

Ít nhất thì những thương hiệu nhỏ sẽ tăng giá sản phẩm chứ không muốn mất thêm chi phí thay đổi kích cỡ đơn vị để giữ hình ảnh.

Về phía công ty, có rất nhiều lời giải thích được đưa ra cho hành động trên.

Một số biện minh rằng khách hàng vẫn chấp nhận mua ít hơn nếu giá không đổi, trong khi số khác cho rằng họ đang bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng với những sản phẩm nhiều đường, hay bảo vệ môi trường…

Trong khi đó, khảo sát của Shopmate cho thấy 50% cửa hàng bán lẻ tại Anh nhận định rằng các thương hiệu tốt nhất là giảm bớt kích cỡ thay vì tăng giá sản phẩm bởi khách hàng hiện nay rất nhạy cảm về giá và điều này ảnh hưởng cực lớn đến doanh số.

Kinh doanh thời kỳ lạm phát

Thuật ngữ “Shrinkflation” xuất hiện lần đầu vào năm 1969 khi nhà báo Arthur Buchwald viết những bài bình luận châm biếm về lạm phát.

Từ này bắt đầu được công nhận rộng rãi trong thập niên 1970 khi hàng loạt hãng sản xuất muốn bảo vệ lợi nhuận biên của mình trước đà tăng chi phí và giảm tốc tăng trưởng, thế là họ bắt đầu nghĩ ra những mánh khóe mới.

Ngày nay, câu chuyện cắt giảm đơn vị sản phẩm đã chẳng có gì mới, tuy nhiên do mức độ suy giảm ít nên chúng không gây ra sự chú ý của người tiêu dùng.

Hãng tin Bloomberg cho biết tình hình này đang diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, từ Australia cho đến Ấn Độ, từ Anh trải qua Mỹ.

Tại Anh, câu chuyện “Shrinkfaltion” đã xuất hiện từ sau khi người dân nước này bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Ví dụ điển hình nhất là hãng Mondelez International đã giảm trọng lượng thanh chocolate Toblerone của mình, nhưng buộc phải khôi phục lại như cũ sau khi bị người tiêu dùng phản đối.

Tập đoàn này cho biết đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phải giảm kích thước thanh kẹo chocolate Dairy Milk nhằm giữ được sự cạnh tranh, đảm bảo doanh số với đối thủ khi chi phí tăng do lạm phát.

Theo Bloomberg, để khiến người tiêu dùng khó nhận ra, các hãng sản xuất rất cẩn trọng trong việc giảm đơn vị sản phẩm.

Họ có thể giữ nguyên kích cỡ nhưng chỉ giảm nhẹ về trọng lượng, qua đó khiến khách hàng không biết rằng mình đang mua cùng số tiền nhưng ít hàng hơn.

Đồng quan điểm, hãng bán hàng trực tuyến Britsuperstore dùng số liệu phân tích của “Money Saving Expert” cho biết người Anh đang phàn nàn khá nhiều về chocolate, tiếp đó là phô mai, sữa khi kích cỡ sản phẩm thay đổi, không đúng như trước nữa.

Ví dụ thanh kẹo chocolate của Cadbury Dairy Milk đã giảm từ 200gr xuống còn 180gr, hộp sữa chua Corner của hãng Muller giảm từ 130gr xuống còn 124gr, gói bánh chocolate Maryland của hãng Biscuit Company giảm từ 230gr xuống còn 200gr.

Hộp kem Tillamook giảm khối lượng từ 56oz xuống còn 48oz, trong khi gói Bim bim Doritos của Pepsi cũng giảm số lượng, còn hãng Domino’s Pizza cũng giảm bớt số cánh gà trong combo thực đơn mang về.

Nguồn: CNN, Bloomberg