Ngày 20/1/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu dự án “Sản xuất một số thực phẩm chức năng từ cá nóc Việt Nam.” Dự án do KS. Vũ Xuân Sơn – Viện Nghiên cứu Hải sản làm chủ nhiệm, nằm trong Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Cá nóc – nguồn lợi chưa được khai thác hết tiềm năng
Hiện nay, cá nóc chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng sản lượng hải sản tại Việt Nam, trữ lượng cá nóc ở biển Việt Nam ước tính khoảng 37.387 tấn, trong đó nhóm không độc và ít độc chiếm 85% sản lượng. Tuy vậy, nguồn lợi này vẫn chưa được sử dụng một cách hợp lý và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cá nóc là loại nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là các axit amin thiết yếu chiếm tỷ lệ cao so với tổng số axit amin, hàm lượng các loại khoáng tương đương với các loài cá biển khác. Thịt cá nóc được coi là protein lý tưởng vì có mặt cả 8 axit amin thiết yếu. Đây là nguồn nguyên liệu có giá trị để cung cấp dinh dưỡng cho cộng đồng, bởi có chưa đầy đủ các axit béo như Omega 3,6,8 và DHA, EPA, tổng axit amin cao hơn nhiều so với một số loài thủy sản khác như cá tra, ngao, hàu, rất phù hợp để phục hồi sức khỏe bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, chế độ ăn cho bệnh tiểu đường, bệnh thận…
Thế nhưng trên thị trường hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng từ protein cá nóc. Do đó, để có thể sản xuất được thực phẩm chức năng (TPCN) từ cá nóc cần quá trình nghiên cứu chuyên sâu, hoàn thiện quy trình sản xuất, điều kiện và thông số kỹ thuật cụ thể, và ứng dụng sản xuất thử nghiệm trong điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.
Hướng mới trong sử dụng cá nóc tại Việt Nam
Tại buổi nghiệm thu, nhóm nghiên cứu dự án đã đã trình bày tóm tắt các kết quả đạt được. Với mục tiêu hoàn thiện công nghệ, thiết bị và sản xuất một số thực phẩm chức năng từ cá nóc, cụ thể sau thời gian thực hiện, dự án đã hoàn thiện được quy trình công nghệ và thiết bị quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ để sản xuất bột và syrup cá nóc giàu dinh dưỡng. Các sản phẩm của dự án bao gồm: 500.000 hộp viên nang bột cá nóc (20 viên/hộp); 500.000 hộp syrup cá nóc. Giá trị dinh dưỡng của sản phẩm được thể hiện thông qua công dụng hỗ trợ và tăng cường sức khỏe cho người bệnh đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Không chỉ vậy, dự án đã tổ chức đào tạo được 8 cán bộ kỹ thuật, 20 công nhân sản xuất, đã chuyển giao quy trình công nghệ sơ chế, xử lý cá nóc phục vụ làm thực phẩm, quy trình công nghệ sản xuất TPCN viên nang và syrup cá nóc cho các cơ sở tham gia và tiếp nhận công nghệ. Sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang và syrup cá nóc đã đăng ký công bố chất lượng tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, sản phẩm đã được quảng bá, tiếp thị tại các hội chợ, hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong nước.
Công nghệ của dự án bao gồm ba phần: thứ nhất là kỹ thuật sơ chế và xử lý cá nóc nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm trước sản xuất; thứ hai là ứng dụng công nghệ enzyme để thủy phân protein thịt cá nóc tạo dịch đạm và bột đạm thủy phân giàu axit amin làm nguyên liệu cho sản xuất TPCN syrup và viên nang; thứ ba là xây dựng công thức và sản xuất TPCN syrup từ dịch đạm thủy phân cá nóc và TPCN viên nang từ bột đạm thủy phân cá nóc.
“Có thể nói công nghệ của dự án đã mở ra hướng mới trong nghiên cứu và sử dụng cá nóc ở Việt Nam. Kết quả của dự án còn là cơ sở khoa học để các cơ quan quản lý xây dựng các giải pháp để khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lợi cá nóc.” – KS. Vũ Xuân Sơn cho biết.
Nghiên cứu sẽ đóng góp bằng chứng khoa học về giá trị của cá nóc không độc tại vùng biển Việt Nam với cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em, nhằm cung cấp số liệu cho các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới khi xem xét sử dụng nguồn lợi biển từ cá nóc Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách kiểm soát an toàn và phù hợp để khai thác và sử dụng được nguồn lợi cá nóc hiện nay và nhân rộng công nghệ của dự án cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá cao những nỗ lực và tâm huyết của nhóm nghiên cứu, thực hiện dự án. Dự án đã đạt được các yêu cầu về số lượng, chất lượng, đầy đủ theo đúng thuyết minh và hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Nhóm thực hiện dự án cần bổ sung thêm một số chi tiết về phương pháp chọn lọc cá nóc, cách sơ chế, danh sách các kiểm nghiệm, đánh giá để hoàn thiện báo cáo.
Kết quả của dự án là cơ sở khoa học để các cơ quan quản lý xây dựng các giải pháp sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lợi cá nóc trong tương lai.