4 học sinh cấp ba ở TP Buôn Ma Thuột chế tạo ống hút từ loại cây thực vật, thành phần chính là hạt bơ và có thể ăn được. Bùi Thị Thanh Mai (lớp 12A3) và 3 bạn cùng trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt (TP Buôn Ma Thuột) còn nguyên bất ngờ sau vài ngày dự án Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ của nhóm giành giải nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup 2020).
Thanh Mai – trưởng nhóm, Hoàng Thân Tưởng, Nguyễn Viết Sơn và Nguyễn Thị Hồng Hân đã thực hiện ý tưởng từ đầu tháng 7, khi thấy phế phẩm nông nghiệp từ cây bơ ở Tây Nguyên quá nhiều. Hạt bơ chiếm khoảng 1/2 khối lượng quả, trong khi người dùng thường bỏ phí.
Thanh Mai kể, trong thời gian hoàn thiện ống hút từ hạt bơ, cả nhóm cố gắng làm hết bài tập ở trên lớp, tối dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi. Ngày cuối tuần, nhóm mới có cơ hội lên phòng thí nghiệm của trường để làm thủ công. “Lúc đầu ống bị méo, giòn, dễ gãy khiến chúng em định bỏ cuộc. Nhưng sau đó cả nhóm họp, và quyết tâm làm đến khi nào thành công mới thôi”, nữ sinh nói.
Hơn 3 tháng miệt mài, nhóm học sinh đã tạo ra sản phẩm ống hút được chiết xuất 100% từ các loại cây thực vật như lá rau ngót, lá cẩm, nghệ… và thành phần chính là hạt bơ.
Hạt bơ tươi được sơ chế để loại bỏ vị đắng, phơi khô xay thành bột, sau đó pha trộn bột gạo, màu tự nhiên, nước và đưa vào máy ép để định hình ống hút. Qua lồng hấp nhiệt bằng hơi nước, nhằm tăng độ kết dính của nguyên liệu và đảm bảo độ bền cho ống hút.
Hạn sử dụng là 12 tháng và có thể ăn được. Sản phẩm được kiểm định đạt chuẩn về các tiêu chí vi sinh vật, kim loại nặng theo quy định của Bộ Y tế. Ống hút sẽ phân hủy hoàn toàn sau 2-3 tháng trong môi trường tự nhiên, tốt cho đất và cây trồng. Sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với các loại ống hút tương tự. Mai và nhóm bạn mong muốn sắp tới sản phẩm sẽ được sản xuất với quy mô công nghiệp, tận dụng được nguồn hạt bơ chưa được khai thác và sử dụng hợp lý; tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân trồng bơ.
Cô Lê Thị Hoàng Phương, giáo viên hướng dẫn thực hiện đề tài, đánh giá các học trò rất chủ động, sáng tạo, biết phân chia một cách khoa học giữa thời gian nghiên cứu và học tập. Để hoàn thiện sản phẩm, đa phần các em tự làm, chỉ khi nào gặp vướng mắc mới nhờ giáo viên hỗ trợ kiến thức về hóa, sinh, kỹ thuật.
Khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án, theo cô Phương, là 4 em học 4 lớp khác nhau (3 em lớp 12, một em lớp 10). “Các em gặp áp lực về thời gian để đảm bảo việc học trên lớp. Tuy nhiên bằng nỗ lực, đam mê của mình các em đã hoàn thành tốt dự án, giành giải thưởng về cho nhà trường”, cô nói.