Hoa Bụp Giấm (Roselle): thực phẩm tiềm năng với giá trị dinh dưỡng và giá trị y học cao

0
210

Giới thiệu về hoa bụp giấm (roselle)

Cây bụp giấm (2 ảnh bên trái) và đài hoa bụp giấm (bên phải)

Cây hoa bụp giấm, có tên khoa học Hibiscus sabdariffa L., (ở Việt Nam còn được biết tên với gọi hoa lạc thần hay hoa atiso đỏ, hoặc “mesta” ở Ấn Độ) là một loại hoa có màu sắc đẹp mắt và chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm trà, mứt, rượu, làm rau trộn và sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh. Những sản phẩm từ hoa bụp giấm vừa là thực phẩm, nhưng cũng vừa có nhiều tác dụng dược lý được công nhận bởi chính những người sử dụng nó, vậy nên bụp giấm ngày càng được ưa chuộng và trở nên gần gũi trong đời sống.

Dựa vào màu sắc của cánh hoa, hoa bụp giấm có thể chia làm 3 loại: trắng xanh nhạt (G), đỏ (LR) và đỏ đậm ánh đen (DR)

Phân loại hoa bụp giấm dựa trên màu sắc

Hoa bụp giấm phát triển tốt ở các vùng có điều kiện khí hậu nhiệt đới ấm áp với độ ẩm cao và nhiệt độ vào khoảng 18-35oC (tốt nhất ở 25oC). Đây là lý do cây bụp giấm có thể được trồng dễ dàng ở những nước nhiệt đới như Bangladesh, và cực kỳ phổ thông ở các nước châu Phi. Hoa bụp giấm là một loại cây trồng hằng năm và mất khoảng 6 tháng để phát triển và thu hoạch. Một cây bụp giấm trưởng thành có thể cho đến 250 đài hoa, tương đương với 1-1,5 kg đài hoa tươi khi thu hoạch. Hai nước trồng nhiều hoa bụp giấm nhất tại Châu Á là Trung Quốc và Thái Lan và nước sản xuất ra hoa có chất lượng tốt nhất là Sudan, một nước nằm cạnh Ai Cập ở châu Phi.

Bộ phận được sử dụng nhiều nhất của cây bụp giấm là phần hoa bụp giấm (gồm phần cánh hoa và phần đế ở dưới), có thể dễ dàng bóc ra khỏi hạt ở giữa quả sau khi thu hoạch. Đài hoa này thường được bảo quản bằng cách sấy khô rồi bỏ vào lọ thủy tinh, để nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.

Giá trị dinh dưỡng của hoa bụp giấm

Một số giá trị dinh dưỡng nổi bật của hoa bụp giấm trong 100g đài hoa, lá cây và hạt bụp giấm. Source: Morton J. 1987. Roselle. In: Fruits of Warm Climates

Hoa bụp giấm có chứa hàm lượng lớn vitamin C và anthocyanin hoạt động như những chất chống oxy hóa. Lượng anthocyanin có trong hoa bụp giấm thu hút các nhà sản xuất như là một nguồn nguyên liệu tiềm năng để cho ra các chất tạo màu thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà dinh dưỡng học cũng chỉ ra hoa có chứa một lượng không nhỏ khoáng chất như Kali, Mg, Natri, Canxi, sắt và các loại vitamin khác như vitamin B2 và vitamin B3.

Giá trị dược lý và lợi ích cho sức khỏe từ hoa bụp giấm

Cây bụp giấm được sử dùng với nhiều mục đích khác nhau và đã được sử dụng trong các bài thuốc gia truyền ở châu Phi, Ấn Độ, Thái Lan và Mê xi cô. Không chỉ vậy, tác dụng và ứng dụng của hoa trong dược học cũng được đề cập tới trong các báo cáo khoa học ở nhiều nước trên thế giới. Một số tác dụng có thể kể đến:

  • Calyx extracts reduced body fat and body mass index (BMI) (Greenwood and Robinson 1999; Ghislain et al. 2011).
  • The boiled leaves help to remedy of cracks in the feet andspeedup maturation of ulcers (Boudraa et al. 1990; Lin et al. 2007).
  • Roselle juice with salt, pepper and molasses is used to relieve coughs and remedy of biliousness (Mohamed et al. 2012).

Sử dụng hoa bụp giấm trong đời sống hằng ngày và chế biến thực phẩm

Hoa bụp giấm là 1 loại cây trồng đa mục đích, có nhiều tiềm năng tuy chưa được khai thác triệt để trong ứng dụng y học và cả trong công nghiệp chế biến. Các phần của cây bụp giấm, đặc biệt là cánh hoa, đều được ứng dụng trên nhiều phương diện khác nhau, trải dài từ mục đích sức khỏe cho đến sản phẩm thực phẩm, nhiên liệu sinh học.

Lá cây

Ở Bangladesh, lá cây bụp giấm thường được kết hợp với cá tươi, tỏi và hành tây để làm ra loại sốt sệt truyền thống, hoặc để nấu chung với cá, nấu súp tôm. Ở Ấn Độ, lá được dùng nấu chung với thịt gà hoặc cá. Lá bụp giấm cũng được tiêu thụ phổ biến như một loại rau củ giá rẻ cho những người nghèo ở Myanmar.

Cánh hoa bụp giấm (calyx)

Do có màu sắc đẹp, mềm và thành phần dinh dưỡng tương đối cân bằng hơn so với các phần khác của cây bụp giấm, cánh hoa được ứng dụng trong rất nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu trong việc chế biến thực phẩm đồ uống. Các ứng dụng nổi bật có thể kể đến:

  • Sử dụng trong pha chế đồ uống: thức uống không cồn làm từ hoa bụp giấm là một sản phẩm có giá thành rẻ và được ưa chuộng ở nhiều nước châu Phi và các nước Trung Mỹ, cả Anh và liên bang Hoa Kỳ. Thức uống này có thể tự làm đơn giản bằng cách đun sôi cánh hoa trong 8-10 phút rồi bổ sung thêm đường theo khẩu vị, lọc tách bã và phục vụ lạnh. Bên cạnh đó, với các tác dụng tốt cho sức khỏe như đã đề cập, hoa bụp giấm được sử dụng để làm ra trà thảo mộc không chứa caffeine. Đây cũng là một loại trà tương đối nổi tiếng ở châu Phi và ở Ý. Ở Jamaica, người ta làm trà bụp giấm bổ sung thêm vị gừng.
DXN Roselle Juice | Shopee Philippines
Sản phẩm nước giải khát từ hoa bụp giấm
  • Sản xuất sữa chua bổ sung hương vị hoa bụp giấm: Ngoài việc bổ sung thêm màu sắc và hương vị cho sữa chua, các nghiên cứu đã chỉ ra hoa bụp giấm trong sữa chua có tác dụng hỗ trợ việc tiêu hóa lactose trong sữa và giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa.
  • Làm mứt từ hoa bụp giấm: đây là một phương pháp chế biến hoa bụp giấm tương đối hiệu quả và cho ra sản phẩm hấp dẫn. Các bước thực hiện cũng khá đơn giản khi chỉ cần rửa sạch hoa, đun sôi với nước trong 10-15 phút rồi cô cạn với đường. Sản phẩm tạo thành sẽ có màu đỏ đậm đẹp mắt và hương thơm đặc trưng của hoa bụp giấm. Mứt bụp giấm có thời gian bảo quản lâu và giữ được tương đối các giá trị dinh dưỡng của hoa bụp giấm. Mứt bụp giấm được bày bán như một sản phẩm thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới, ví dụ như Myanmar, Úc.

Hạt

Hạt bụp giấm có chứa đến 17% là dầu thực vật và có tiềm năng sử dụng để làm dầu ăn do chứa ít cholesterol và giàu các hợp chất tocopherol (có tính chất tương như vitamin E) và phytosterol (giúp giảm cholesterol trong máu). Ngoài ra, lượng dầu này vẫn có thể sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và sơn công nghiệp, cũng như sản xuất nhiên liệu sinh học. Bên cạnh đó, do hàm lượng chất đạm trong hạt tương đối cao (~20%), nên hạt có thể được nghiền ra và làm thức ăn cho gia súc.

Tổng kết

Hoa bụp giấm là một cây trồng đa năng có thể cung cấp nguyên liệu chế biến sản phẩm đồ ăn thức uống tại nhà và trong công nghiệp, đem lại thu nhập cho người dân. Đài hoa và cánh hoa bụp giấm khô có tiềm năng thị trường cao cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa do các đặc tính tốt cho sức khỏe và màu sắc đẹp mắt mà nó mang lại. Nhu cầu về các sản phẩm từ loại hoa này đang tăng lên từng ngày do nhận thức về các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe và các sản phẩm thảo dược tự nhiên ngày càng nâng cao.

Bản quyền bài viết thuộc về đội ngũ Science Vietnam. Vui lòng để lại nguồn và link bài viết khi sao chép.