Mỗi ngày, một người Mỹ trung bình ném ra khoảng một pound thực phẩm, theo một nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp. Có rất nhiều lý do để thực phẩm bị vứt đi: có thể do những đứa trẻ kén ăn để lại thức ăn thừa hoặc thậm chí thức ăn để trong tủ lạnh quá lâu đến mức không thể sử dụng được nữa.
Nhưng theo các tác giả của một nghiên cứu mới đây về chất thải thực phẩm gia đình họ cho rằng chính cách ghi nhãn mơ hồ về hạn sử dụng làm cho thực phẩm không được sử dụng một cách hiệu quả. Theo Brian Roe – Giáo sư Tiến sĩ nông nghiệp, môi trường và phát triển kinh tế của Đại học bang Ohio – cho rằng để giảm chất thải thực phẩm trong khi vẫn duy trì sự an toàn thì việc phát triển một hệ thống ghi nhãn thống nhất là rất quan trọng.
90% người Mỹ hiểu sai về ngày tháng được in trên nhãn, theo Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC), do đó họ đã vứt bỏ thực phẩm mặc dù vẫn có thể sử dụng được hoặc đem đi đông lạnh để sử dụng sau này. Dựa vào hạn sử dụng trên bao bì làm thế nào để bạn biết nên giữ gì và bỏ gì?
Ý nghĩa thực sự của ngày tháng in trên bao bì là gì?
Nhà sản xuất thường sử dụng các cụm từ như “tốt nhất nên sử dụng trước – best if used by”, “bán trước – sell by”, “sử dụng trước – use by” nhằm chỉ định dự đoán tốt nhất của nhà sản xuất về việc thực phẩm của họ sẽ có vị tươi nhất trong bao lâu. Các siêu thị cũng sử dụng ngày ghi trên nhãn này làm hướng dẫn khi lưu trữ sản phẩm trên kệ. Nhưng ngày này ít liên quan đến việc thực phẩm an toàn như thế nào. Đối với sản phẩm sữa bột trẻ em, không có quy định cụ thể của liên bang về ghi nhãn ngày trên bao bì.
- Tốt nhất nếu được sử dụng trước/ trước (Best If Used By/ Before) : Nếu bạn sử dụng thực phẩm trước ngày này sẽ đảm bảo chất lượng, hương vị của sản phẩm vẫn còn ở trạng thái tốt nhất. Ví dụ, một lọ salsa có thể không còn giữ được vị tươi như ban đầu hoặc bánh quy có thể bị mềm đi sau ngày này. Đây không phải vấn đề về sự an toàn.
- Bán trước (Sell by) : Đây là ngày được các nhà sản xuất ấn định để thông báo cho các nhà bán lẻ khi nào thì nên gỡ sản phẩm khỏi kệ. Mục tiêu là để đảm bảo rằng người tiêu dùng luôn có các sản phẩm với chất lượng tốt nhất, có thể là vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào từng loại mặt hàng khác nhau. Ví dụ, đối với sữa nếu được làm lạnh thích hợp có thể kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm từ năm đến bảy ngày trước khi sản phẩm bắt đầu xuất hiện vị chua.
- Sử dụng trước (Use by) : Đây là ngày cuối cùng đảm bảo chất lượng tốt nhất của sản phẩm và bạn nên sử dụng chúng trước đó. Đây cũng không phải là ngày an toàn trừ trường hợp được sử dụng trên sữa bột trẻ em.
Theo báo cáo từ NRDC và Đại học Harvard, các nhà sản xuất thường sử dụng các phương pháp kiểm tra trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm hương vị để đưa ra ngày ghi trên nhãn này. Nhưng người tiêu dùng thì không hề biết về điều này. Trong nhiều trường hợp, ngày này là bảo thủ, vì vậy nếu bạn ăn thực phẩm quá ngày đó bạn có thể vẫn không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào về chất lượng.
Trong nỗ lực chuẩn hóa ghi nhãn cùng với mong muốn làm cho nó rõ ràng hơn, vào tháng 5 năm 2016 đạo luật qui định về ghi nhãn ngày cho thực phẩm đã được nêu ra trước Quốc hội Mỹ. Nhưng dự luật vẫn còn nằm trong ủy ban.
Ngay cả khi không có quy định của liên bang, một số tiêu chuẩn của các điều khoản này có thể sẽ đến. Đầu năm nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết họ đã hỗ trợ một phong trào trong ngành thực phẩm nhằm thường xuyên hóa nhãn hiệu và giúp người tiêu dùng dễ hiểu hơn.
Hiệp hội các nhà sản xuất tạp hóa và Viện tiếp thị thực phẩm đã làm việc với 25 nhà sản xuất và nhà bán lẻ để chuẩn hóa việc sử dụng hai thuật ngữ: “tốt nhất nếu được sử dụng trước – best if used by” để chỉ những ngày trước thời gian in trên nhãn có chất lượng cũng như hương vị tốt nhất đối với thực phẩm dễ hỏng và thuật ngữ “sử dụng trước – use by” tức sau ngày này bạn nên bỏ chúng đi. “Điều đáng khích lệ là họ đã phát triển một kế hoạch dựa trên thông tin tốt nhất hiện có và đã chủ động yêu cầu các thành viên của mình áp dụng kế hoạch đó”, Roe nói. “Tất nhiên, chúng ta luôn hy vọng rằng nhiều thành viên sẽ nắm bắt hướng dẫn và cập nhật nhãn càng nhanh càng tốt.”
Theo nguyên tắc chung, hầu hết các loại thực phẩm đóng hộp như cá ngừ đóng hộp, súp và rau quả có thể được lưu trữ từ hai đến năm năm và thực phẩm có tính axit cao chẳng hạn nước ép đóng hộp, cà chua và dưa chua có thể được lưu trữ trong khoảng 18 tháng theo USDA. Mặc dù vậy, vẫn nên cẩn thẩn đối với các vết lõm và phồng dộp xuất hiện trên lon. Đó là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần phải loại chúng đi.
Nếu bạn vẫn không chắc chắn liệu một sản phẩm đã quá hạn sử dụng có đáng để sử dụng tiếp hay không thì hay sử dụng ứng dụng miễn phí do USDA tạo ra, FoodKeeper, nó sẽ giúp bạn xác định các mặt hàng cụ thể từ yến mạch đến nước cốt dừa cho đến siro cây phong nên lưu trữ trong tủ chạn tiếp để dùng hay nó sẽ tồn tại trong tủ lạnh của bạn bao lâu sau khi đã được mở.
Giữ cho thực phẩm an toàn
Các mặt hàng như ngũ cốc, đồ khô và đồ hộp vẫn có thể được sử dụng tốt trước ngày ghi nhãn của chúng, nhưng với thịt, sữa và trứng, đó là một câu chuyện khác. Mặc dù vẫn chưa có ngày hết hạn theo quy định của liên bang đối với các mặt hàng đó, nhưng rõ ràng chúng có thời hạn sử dụng ngắn hơn. Theo Sana Mujahid, tiến sĩ, giám đốc nghiên cứu an toàn thực phẩm tại Consumer Report, cách tốt nhất để biết liệu thực phẩm dễ hỏng có bị hỏng hay không chỉ đơn giản là hãy tin vào vị giác và khứu giác của bạn.
Thực phẩm mà vượt qua thời gian tốt nhất của chúng thường sẽ phát triển nấm mốc, vi khuẩn và nấm men để đưa ra các dấu hiệu cảnh báo cho các giác quan của bạn. Thực phẩm hư hỏng thường sẽ trông khác nhau về kết cấu và màu sắc, mùi cũng trở nên khó chịu và không an toàn để ăn.
Ngộ độc thực phẩm được tạo ra do sự nhiễm khuẩn không phải do quá trình phân hủy tự nhiên. Và vi khuẩn như listeria phát triển mạnh ở nhiệt độ ấm hơn, do đó, điều quan trọng là luôn giữ cho thực phẩm dễ hỏng của bạn được làm lạnh ở nhiệt độ thích hợp. (FDA khuyến cáo tủ lạnh của bạn không nên cài đặt nhiệt độ quá 40°F. Các chuyên gia của Consumer Report thì đề nghị nên cài đặt ở mức 37°F.)
Ngoài ra, một nguyên tắc nhỏ nữa là bạn nên vứt một món đồ thuộc loại dễ hỏng sau khi đã mở sử dụng và để ở nhiệt độ phòng trong 2 giờ hoặc một nửa thời gian đó nhưng ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, cần giữ cho tất cả các bề mặt dùng để chuẩn bị thực phẩm luôn sạch sẽ và tránh sự nhiễm chéo giữa thịt sống và loại thực phẩm khác.
Mujahid nói “Điều quan trọng nhất mà người tiêu dùng nên làm là tuân thủ các bước thực hành xử lý và bảo quản thực phẩm thật tốt, điều này có thể ngăn ngừa sự hư hỏng không cần thiết và đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Bản quyền bài viết thuộc về đội ngũ Science Vietnam. Vui lòng để lại nguồn khi tham khảo.