Năm 2019, ngành công nghiệp đồ ăn và đồ uống đã ghi nhận được một xu thế mới trong nhận thức của người tiêu dùng, đó là tập trung hướng đến sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật (plant-based) và sản phẩm “sạch” (clean label). Vì thế, trong năm 2020, sự tập trung vào những ngành hàng này càng được mở rộng và có những nhóm sản phẩm chuyên biệt hơn.
“Chủ nghĩa tiêu dùng thông minh” (conscious consumerism) sẽ một lần nữa trở thành tâm điểm trong năm tới. Khi đó, người tiêu dùng sẽ đặt sức khỏe lên ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn mua một sản phẩm nào đó. Dưới đây là top 5 xu hướng thực phẩm được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2020 theo FoodBev Media:
Snack “dùng nhanh” (Healthy snacks on-the-run)
Với nhịp sống ngày một hối hả, bận rộn, nhu cầu của khách hàng cũng ngày một tăng lên. Một sản phẩm vừa tiện lợi, vừa có thể lấp đi cơn đói nhanh chóng và cung cấp năng lượng sẽ là lựa chọn hàng đầu cho những ai không có nhiều thời gian cho bản thân. Chính vì thế, thị trường bánh snack đã bùng nổ trong những năm gần đây. Theo Mintel Consumer Snacking UK (2019), 66% người trưởng thành thừa nhận họ đã dùng snack tối thiểu 1 lần/ngày.
Nhưng gần đây, thói quen dùng snack đang dần được thay đổi. Người tiêu dùng đã có nhận thức cao hơn và tập trung cho những sản phẩm thay thế mang lại cho họ những lợi ích cao hơn về mặt sức khỏe.
Snack giòn (Popped and puffed snacks) dẫn đầu trong hạng mục này với những hãng nổi tiếng như Native Snacks, Plant Pops và Boomchickapop, họ đang cố gắng tập trung vào cải tiến sản phẩm về mặt dinh dưỡng, biến chúng thành loại thực phẩm “healthier” cho người tiêu dùng.
FoodBev đã đề cử “puffed snacks” là xu hướng trong năm 2020. “Người tiêu dùng hiện nay đang mong muốn một sự đa dạng hơn về mặt hàng bánh snack, do đó, đây là một cơ hội lớn để phát triển dòng sản phẩm này”, bà Eve Yankah (người sáng lập Bepps) nói.
Bên cạnh đó, mặt hàng snack bổ sung protein cũng đang phát triển khá mạnh. Good! Snacks và Optimum Nutrition’s protein ridges là hai mặt hàng có thể cung cấp lượng protein “tức thời” đang được nhiều khách hàng tin dùng.
Số liệu thu thập từ Grand View cho thấy thị trường “healthy snack” được dự báo sẽ đạt 32.99 tỉ USD trong năm 2025, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm kép đạt 5.2%. Nhìn chung, “healthy snack” là một lựa chọn không những đáp ứng được tính tiện lợi, mà còn đem lại nguồn dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Thay đổi lượng đường (Sugar shift)
Hiện nay, khách hàng có mối quan tâm đến sức khỏe đang săn tìm những sản phẩm snack có hàm lượng dinh dưỡng cao, còn các nhãn hàng bánh kẹo thì đang cố gắng hạn chế lường đường có trong sản phẩm đến mức tối thiểu. Trong năm 2019, số liệu từ cơ quan y tế công cộng Anh cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2018, khoảng 2.9% lượng đường đã được giảm trong các thực phẩm bán trên thị trường.
Một vài thương hiệu hiện nay đang bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng các chất làm ngọt thay cho đường. Ở Mỹ, hồi đầu năm nay Lily’s Sweets đã cho ra mắt dòng sản phẩm bánh bơ đậu phộng dùng nguyên liệu làm ngọt từ cỏ ngọt (stevia). Tương tự ở các cửa hàng khác, xu hướng giảm lượng đường trong các sản phẩm đang dần một phổ biến.
Một ví dụ điển hình là mặt hàng chocolate ít đường (ít hơn 30%) của Cadbury Dairy Milk, được xem là một cải tiến quan trọng nhất trong lịch sử Cadbury. Nếu như thương hiệu này tiếp tục tung ra thị trường những sản phẩm chocolate ít đường mới, chắc chắn điều này sẽ kéo theo một sự thay đổi lớn trong sản phẩm của các nhãn hàng khác trong năm 2020.
Điều này phần nào cũng đã trùng hợp với chính sách của Sở Y tế công cộng nước Anh về việc giảm 30% lượng đường dùng trong sản xuất thực phẩm (năm 2020) và việc áp thuế cho mặt hàng nước ngọt vào tháng 4 (năm 2018).
Dự đoán trong năm 2020 sẽ có sự bùng nổ về các sản phẩm ít đường hoặc các chất làm ngọt nhân tạo. Có vẻ như các loại syrup chiết xuất từ trái cây và rau củ sẽ được tối ưu hóa trong sản xuất, ví dụ như khoai lang, lựu hay quả chà là.
Chế độ ăn chay bán phần (Flexitarian)
Ngoài ra, người tiêu dùng ngày một có nhu cầu cao hơn về các sản phẩm thay thế thịt, chính vì thế, các nhãn hàng đang cố gắng tạo ra nhiều sự chọn lựa hơn cho khách hàng. Theo như báo cáo SPINS do Good Food Institute and the Plant-Based Foods Association thực hiện, chỉ riêng tại Mỹ, doanh thu các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật (plant-based food) đã tăng 11.3% trong năm vừa qua, so với mức tăng 2% trong tổng doanh thu thực phẩm.
Không chỉ có người ăn chay quan tâm đến các sản phẩm này. Chủ nghĩa “Flexitarian” hiện đang rất phổ biến và nhiều khách hàng đang cố gắng cắt giảm lượng thịt có trong bữa ăn, thay vào đó, họ sẽ phối hợp cả thịt và rau trong bữa ăn của mình để tăng hàm lượng dinh dưỡng.
Nhiều thương hiệu thịt lớn hiện đang cung cấp các sản phẩm thịt pha trộn, ví dụ, Tyson Foods và Hormel. Hãy đón xem tạp chí FoodBev vào tháng 12 để biết thêm về loại hỗn hợp “thịt-thực vật” này nhé, đây dự đoán sẽ là xu hướng thực phẩm chính trong năm 2020.
Tương tự, cũng đã có sự gia tăng ở ngành hàng sữa, đặc biệt là sữa từ thực vật (50/50). Điển hình như ở Mỹ, Dairy Farmers đã tung ra thị trường dòng sản phẩm sữa “free-lactose” phối trộn với yến mạch, hạnh nhân dưới thương hiệu là Live Real Farms.
Rachel Kyllo, phó chủ tịch công ty Live Real Farms, cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng thị hiếu của người tiêu dùng luôn thay đổi và họ đang tận hưởng những lợi ích từ cả sữa truyền thống và các sản phẩm thay thế từ thực vật.”
Thức uống giải khát loại mạnh (Hard hydration)
Sự phổ biến của các sản phẩm nồng độ cồn thấp gần đây có sự suy giảm đáng kể do ý thức của người tiêu dùng ngày càng hướng đến sức khỏe. Với cuộc sống hối hả bận rộn như hiện nay, yêu cầu khách hàng ngày một cao hơn, đặc biệt tập trung vào những sản phẩm có lượng đường thấp nhưng vẫn đủ giúp cho người dùng tỉnh táo cho ngày làm việc mới.
Seltzers và soda là một trong những cách giúp cơ thể được cung cấp một lượng nước (hydrat) nhất định, nồng độ cồn (ABV) thấp hơn và có xu hướng không đường. Trong năm 2019, vài dòng sản phẩm đã được cho ra mắt như Anheuser-Busch’s Natural Light Seltzer hay Crook & Marker’s đã tung ra loại soda không đường.
Xu hướng này sẽ ngày một thịnh hành hơn trong năm 2020, hướng tới loại nước có cồn. Pura Still hiện đang dẫn đầu xu hướng với loại nước này.Họ cho rằng: “Không cần gas để mọi thứ trở nên thú vị”. Nhãn hàng sẽ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có cồn nhưng với lượng calo thấp hơn, ít gas hơn và lượng đường được giảm đáng kể.
Danh mục đồ uống có cồn “tốt hơn” cho sức khỏe được dự đoán sẽ ngày một phát triển, chẳng hạn như kombucha (loại “mạnh”). Kombucha là thức uống lên men vi sinh giàu dinh dưỡng, Wild Tonic’s Hard Jun Kombucha là phiên bản “mạnh” (hard) hơn của dòng sản phẩm này. Trên thị trường, đây được xem là những sản phẩm đang vượt mặt những loại thức uống có cồn thông thường. Một loại đồ uống vừa có cồn nhưng lại cung cấp được những lợi ích cho sức khỏe chính là yếu tố độc đáo thu hút được nhiều khách hàng.
Lãng phí thực phẩm(Hate to waste)
Trên toàn thế giới, cứ mỗi năm lại có khoảng 1.3 tỷ tấn thực phẩm ăn được bị vứt đi và dự tính con số sẽ tăng đến 2.2 tỷ vào năm 2025.Vì thế, giảm thải lượng thức ăn thừa được chính phủ và các tổ chức chính quyền địa phương coi là vấn đề cấp bách.
Ở mức 44%, trái cây và rau quả chiếm gần một nửa số thực phẩm đang bị lãng phí, nguyên nhân chính thường do bề ngoài không hoàn hảo của chúng. Dự tính trong năm 2020, chúng sẽ được xuất hiện nhiều hơn trong các siêu thị hoặc được dùng làm nguyên liệu trong các sản phẩm mới.
Chuỗi cửa hàng Tesco’s ‘Imperfectly Perfect’ và Asda’s ‘Wonky Veg’ là những cửa hàng đi đầu ở nước Anh trong việc áp dụng chiến lược này.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy được những phương pháp mang tính đột phá để giải quyết vấn đề này như phần mềm “Too Good To Go”, với tính năng giới thiệu cho khách hàng những thực phẩm còn tồn đọng ở nhà hàng với mức giá rẻ nhất.
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đều đã đặt mục tiêu giảm lượng thức ăn dư thừa xuống mức tối đa. Chẳng hạn ở Úc, chính phủ đã đặt mục tiêu giảm thiểu con số này xuống 50% vào năm 2030, trong khi đó, Scotland nhắm tới việc giảm thiểu mức phung phí đồ ăn xuống còn 1/3 trong năm 2025.
Bài viết hay nên đọc: Phụ Gia Thực Phẩm Là Gì?
Bài viết được dịch và biên tập bởi thành viên của Science Vietnam. Vui lòng ghi rõ nguồn và để lại link bài viết này khi sao chép. Xin cảm ơn!