Ô nhiễm nhựa và xử lý bao bì nhựa dùng một lần là một vấn đề liên quan đến sự bền vững rất lớn và cần các giải pháp sáng tạo: kết quả mới nhất từ dự án YPACK do EU tài trợ cho thấy một công thức cải tiến của các hoạt chất có thể cho phép bao bì thực phẩm có thể tự phân hủy, kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm và nhờ vậy giảm được lượng chất thải thực phẩm đáng kể.
Trong vài năm qua, YPACK đã phát triển một loại nhựa sinh học thay thế cho bao bì thực phẩm nhựa truyền thống. Bao bì có thể phân hủy YPACK, được sản xuất từ một loại polymer sinh học bền vững, poly (3-hydroxybutyrate-co-3-hydroxyvalerate) (PHBV), được sản xuất từ phụ phẩm whey của quy trình chế biến phô mai và micro-cellulose từ vỏ hạnh nhân. Các xét nghiệm sinh học cho thấy chúng có khả năng phân hủy hoàn toàn trong vòng 90 ngày.
Tiến sĩ Jose María Lagarón, từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), điều phối viên dự án YPACK, cho biết: “Sản phẩm bao bì lý tưởng sẽ bao gồm các yếu tố như lượng nước tiêu thụ và khí carbon thải ra thấp hơn, có tính phân hủy sinh học và/ hoặc có thể tự phân hủy, có thể tái sử dụng các chất thải hoặc phụ phẩm, được thiết kế không chỉ đúng cách mà còn thân thiện với môi trường, an toàn và có đặc tính bảo quản phù hợp để giảm thiểu chất thải thực phẩm. Đây chính là điều mà YPACK đang hướng đến”.
Sự đột phá trong bao bì năng động (Active Packaging)
Polymer sinh học PHBV được sử dụng để tạo ra một loại “giấy sinh học” rất mỏng, được sản xuất từ phụ phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm.
Kẽm oxit và tinh dầu oregano là hai thành phần hoạt động chính được sử dụng trong loại giấy này. Các hợp chất này có hoạt tính kháng khuẩn tốt chống lại hai loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm: Staphylococcus aureus và Escherichia coli (E.coli). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một tỷ lệ tối ưu của các hoạt chất cho thấy tác dụng chống vi khuẩn ngắn hạn (15 ngày) và trung hạn (tối đa 48 ngày) trong các hệ thống kín và mở. Điều này cho thấy chúng có thể được sử dụng cho các sản phẩm mà việc đóng mở gói có thể thực hiện được nhiều lần, ví dụ như sản phẩm bánh mì hoặc giăm bông dạng lát. Vật liệu này cũng có thể được sử dụng trong các dạng bao bì khay hoặc màng bọc.
Những kết quả thu được từ phòng thí nghiệm mang lại đầy hứa hẹn và cho thấy tiềm năng của loại bao bì năng động có nguồn gốc từ sinh học này, có thể tăng thời hạn bảo quản các sản phẩm tươi như thịt, trái cây, rau quả và mì ống. Tuy nhiên, do các hạn chế về quy định trong EU, sản phẩm bao bì YPACK sẽ chỉ chứa thành phần PHBV có khả năng phân hủy sinh học.
Những dự định trong tương lai
Trong mùa xuân năm 2020, dự án YPACK sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình nghiên cứu về sự chấp nhận của người tiêu dùng và thời hạn sử dụng của chúng. Trong một nghiên cứu sơ bộ về người tiêu dùng được thực hiện bởi YPACK bao gồm hơn 7000 người tiêu dùng, kết quả cho thấy họ không phản đối việc sử dụng vỏ hạnh nhân và whey phô mai trong vật liệu đóng gói thực phẩm. Tương tự, công nghệ đóng gói thụ động và chủ động cũng được người tiêu dùng chấp nhận. Có 7 quốc gia đã tham gia vào nghiên cứu này bao gồm: Đan Mạch, Pháp, Hungary, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.
Dự án ba năm này sẽ kết thúc vào tháng 10 với hi vọng bao bì YPACK sẽ sớm có mặt trên thị trường. Kết quả đầy đủ của dự án YPACK sẽ được trình bày tại hội nghị cuối cùng vào ngày 1 tháng 10 ở Brussels.
Về YPACK
YPACK là một dự án 3 năm do EU tài trợ với mục đích mở rộng quy mô sản xuất và đưa vào thương mại hóa hai giải pháp đóng gói thực phẩm sáng tạo dựa trên PBHV, một loại polymer sinh học polyhydroxyalkanoate (PHA). Bao bì mới này sẽ sử dụng các phụ phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm (whey phô mai và vỏ hạnh nhân), đảm bảo khả năng phân hủy sinh học và giảm lượng chất thải thực phẩm trong khung chiến lược Kinh tế tuần hoàn của EU (EU Circular Economy).
Tính khả thi của loại bao bì này sẽ được đánh giá khi đóng gói các sản phẩm tươi sống như thịt, trái cây, rau quả và mì ống tươi, đây chính là những yếu tố đóng góp đáng kể nhất trong chất thải thực phẩm. Một vài nghiên cứu về thị trường và người tiêu dùng sẽ được thực hiện để xác định sở thích của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của thị trường sao cho phù hợp với các quy định mới của EU và sự phát triển của vật liệu đóng gói.
Năm 2019, công nghệ YPACK đã được Ocenic Resins S.L. thuê để sản xuất ống hút phân hủy sinh học.
Bản quyền bài viết thuộc về đội ngũ Science Vietnam. Vui lòng để lại nguồn và link bài viết khi sao chép.