Công thức mới cho rượu sâm banh

0
77
Rodolphe Frerejean Taittinger
Rodolphe Frerejean Taittinger

Rodolphe Frerejese Taittinger đưa ra hướng tiếp cận mới trong sản xuất rượu sâm banh. RODOLPHE FREREJEAN TAITTINGER KHÔNG CHỈ LIÊN QUAN TỚI RƯỢU SÂM BANH qua tên họ nổi tiếng của mình. Anh được rửa tội bằng sâm banh khi còn bé, và nếm thìa sâm banh đầu tiên năm tám tuổi. Hồi nhỏ, anh và các anh mình từng đạp xe qua vườn nho vùng Champagne của Pháp.

Rodolphe Frerejean Taittinger
Rodolphe Frerejean Taittinger

Gia đình Taittinger kế thừa truyền thống sản xuất rượu sâm banh bắt đầu từ năm 1932, khi gia tộc họ mua lại những vườn nho có từ năm 1734, và ngày nay, hãng rượu sâm banh mang tên gia đình họ là một trong mười nhà sản xuất rượu sâm banh lớn nhất thế giới.

Rodolphe, 33 tuổi và hai người anh, Richard, 39 tuổi và Guillaume, 41 tuổi, quyết định đi con đường khác, tách khỏi anh em họ của mình để ra mắt ngôi nhà sâm banh của riêng họ. Năm 2005, ba công dân Pháp này cho ra mắt rượu sâm banh Frerejean Frères (frères có nghĩa là anh em trong tiếng Pháp).

Hiện nay, công ty sản xuất khoảng 100.000 chai mỗi năm với khoảng sáu mẻ rượu (số lượng chính xác sẽ thay đổi vì có một số sản phẩm phiên bản giới hạn được bán hết). Marianna Fossick, người sáng lập nhà phân phối rượu mạnh Gain Brands International của Singapore, đã làm việc với Frerejean Frères, cho biết: “Cậu ấy rất khiêm tốn nhưng đầy tham vọng.”

Frerejean Frères là ví dụ điển hình về cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong ngành công nghiệp rượu sâm banh. Ngành công nghiệp này chịu sự chi phối của gã khổng lồ hàng xa xỉ LVMH của Pháp, công ty sở hữu ba trong số mười nhà sản xuất hàng đầu: Dom Perignon, Möet & Chandon và Veuve Clicquot, sản xuất hơn 60 triệu chai mỗi năm.

Một số nhà sản xuất lớn khác cũng đo lượng sản phẩm của họ theo con số hàng triệu chai. Frerejean Taittinger thì ngược lại, anh khao khát rằng, đến một thời điểm nào đó trước năm 2025, họ sẽ sản xuất không quá 300.000 chai. “Chúng tôi là những người sản xuất rượu sâm banh kiểu thủ công,” anh tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Singapore, “Chúng tôi đòi hỏi chất lượng và tìm kiếm một loại rượu sâm banh có cá tính.”

Giống như các nhà sản xuất bia thủ công đã khuấy đảo ngành công nghiệp bia, giờ đây các nhà sản xuất kiểu thủ công mới cũng thách thức thế giới kiêu kỳ của các nhà sản xuất rượu sâm banh lớn. Bắt đầu từ khoảng hai thập niên trước, họ tập trung vào sản xuất các phiên bản giới hạn và có chất lượng cao hơn so với các sản phẩm trên thị trường đại chúng.

Trên trang chủ của trang web Frerejean Frères, dòng chữ “rượu sâm banh thủ công tinh tế” là những từ đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này hầu như không được đề cập trên truyền thông thương mại của ngành công nghiệp rượu. Điều đó có thể sắp thay đổi, khi các nhà sản xuất thủ công đạt được nhiều giải thưởng dành cho những chai sâm banh độc đáo của họ.

Frerejean Taittinger cho biết: “Những loại rượu sâm banh thủ công này đang bắt đầu chiếm rất nhiều thị phần. Trước đây không ai tập trung vào những ngôi nhà sâm banh nhỏ này, nhưng bây giờ tôi thấy họ xuất hiện nhiều hơn trong danh sách rượu vang.”

Rượu sâm banh Frerejean Frères được bán tại Le Bernardin ở New York, Guy Savoy ở Paris và Odette ở Singapore – tất cả đều là nhà hàng ba sao Michelin. Frerejean Frères hiện được bán lẻ tại Úc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và gần đây đã bắt đầu bán hàng tại Trung Quốc đại lục.

Nhật Bản là thị trường đầu tiên của ngôi nhà sâm banh này và vẫn là thị trường lớn nhất ở châu Á. Frerejean Taittinger cho biết: “Người Nhật yêu thích rượu sâm banh.” Frerejean Taittinger đi khắp thế giới để quảng bá rượu sâm banh của mình, kể cả châu Á. Đây là một phần trong công việc CEO của anh.

Sự cống hiến vì chất lượng của Frerejean Taittinger thể hiện qua quá trình sản xuất của anh. Trong khi các nhà sản xuất rượu sâm banh ở Pháp tuân thủ yêu cầu của Comité Champagne, nhóm điều tiết sản xuất trong ngành, ủ rượu của họ trong ít nhất 15 tháng, thì Frerejean Frères cần tối thiểu sáu năm, và đôi khi lên đến 15 năm – khoảng thời gian dài như vậy sẽ tăng thêm sự phức tạp và tinh tế.

“Cha tôi luôn hỏi tôi, ‘Sao con lại ủ rượu sâm banh lâu như vậy? Về mặt tài chính, vậy là sai lầm,’” anh vừa kể vừa cười. “Tuy nhiên, chúng tôi muốn làm từ từ.”

Anh chỉ sử dụng nho Chardonnay hoặc Pinot Noir từ các vườn trồng nho làm rượu thượng hạng, hai loại nho tốt nhất. Sự kỹ lưỡng có vẻ như đã được đền đáp: chai rượu sâm banh Cuvée des Hussards Extra Brut Premier Cru năm 2012 của anh được xếp hạng 97/100 tại giải thưởng Rượu vang thế giới uy tín được tổ chức năm ngoái tại London.

FREREJEAN TAITTINGER BƯỚC VÀO VIỆC KINH DOANH rượu sâm banh năm 2005, cùng năm mà gia tộc Taittinger bán doanh nghiệp gia đình của mình, gồm cả thương hiệu rượu sâm banh và các tài sản khác như khách sạn, cho công ty Starwood của Hoa Kỳ.

Pierre-Emmanuel Taittinger mua lại thương hiệu khoảng 18 tháng sau đó, nhưng không mua lại các tài sản khác. Tuy nhiên, việc họ bán thương hiệu Pháp biểu tượng này trong một thời gian ngắn cho một công ty tài chính Mỹ có lợi nhuận cao đã gây xôn xao trong giới. Frerejean Taittinger không đồng ý với ý kiến rằng việc mua bán đó tác động đến chuyện anh và các anh của mình tách riêng.

Theo anh, quyết định đó thực sự là “vì đam mê”. Đáng chú ý, một thành viên trong gia đình, Virginie Taittinger, cũng đã tách ra vào năm 2006 để thành lập thương hiệu rượu sâm banh của riêng mình, Virginie T.

Tại Frerejean Frères, ba anh em phân chia vai trò của họ như sau: Rodolphe trở thành CEO, Richard là đồng sáng lập và giám đốc khu vực Hoa Kỳ, đang ở New York để giám sát thị trường quan trọng của Hoa Kỳ, đồng sáng lập và chủ tịch Guillaume sống ở Paris để quản lý hoạt động sản xuất và vận hành tổng thể.

Công ty có khoảng 30 nhân viên, với khoảng 20 nhân viên ở Paris và số người còn lại tại trụ sở của công ty ở Avize, thị trấn nằm ở trung tâm của vùng Champagne. Công ty sản xuất rượu sâm banh từ nho trồng trong vườn nho rộng khoảng 5 hécta của riêng họ, có bổ sung thêm nho mua từ những người trồng khác.

Frerejean Frères cũng đang mua thêm năm hécta nữa. Giá mỗi chai có thể dao động từ khoảng 39 euro (43 USD) đến 600 euro (655 USD) cho khách hàng châu Âu, nhưng thường có giá cao hơn ở châu Á – Thái Bình Dương do cộng chi phí tại địa phương.

Năm nay, ngôi nhà sâm banh của họ tung ra hai mẻ rượu mới: Blanc de Blancs Premier Cru Extra Brut và phiên bản giới hạn Rosé Grand Cru. “Chúng tôi cố trở thành thế hệ mới trong sản xuất sâm banh,” Frerejean Taittinger cho biết, “giao tiếp với một thế hệ khách hàng mới.”

Tác giả JUSTIN DOEBELE – Theo Forbes Vietnam