Ngày 22/10 vừa qua, Coca-Cola chính thức ra mắt chai nước giải khát đầu tiên được làm 100% từ thực vật, không bao gồm nắp và nhãn chai. Đây là sáng kiến bảo vệ môi trường mới nhất của thương hiệu sau khi trình làng PlantBottle – bao bì có thể tái chế được làm từ 30% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật vào năm 2009.
PlantBottle sử dụng PET – loại nhựa tái chế nhiều nhất thế giới, bao gồm 2 thành phần chính: 30% monoetylen glycol (MEG – các loại thực vật) và 70% axit terephthalic (PTA – nhựa gốc dầu).
Mẫu chai có nguồn gốc 100% thực vật mới của Coca-Cola được làm từ paraxylen gốc thực vật (bPX) và sử dụng một quy trình mới của Virent – đã được chuyển đổi thành axit terephthalic có nguồn gốc thực vật (bPTA). Là vật liệu đóng gói đồ uống đầu tiên làm từ bPX và được sản xuất ở quy mô lớn, mẫu chai mới báo hiệu bước thay đổi trong khả năng thương mại hoá của vật liệu sinh học.
Nancy Quan, Giám đốc kỹ thuật tại Coca-Cola chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc với các đối tác công nghệ trong nhiều năm nhằm tạo ra một bao bì có thành phần 100% từ thực vật, giảm lượng khí thải carbon thấp nhất có thể. Thật thú vị khi chúng tôi đã tạo ra mẫu chai mới và có thể nhân rộng cho các đối tác của mình, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) trong tương lai”.
Coca-Cola cũng đồng sở hữu quy trình sản xuất bMEG với công ty Changchun Meihe Science & Technology. Thông thường, bMEG được sản xuất bằng cách chuyển mía hoặc ngô thành cồn sinh học làm chất trung gian, sau đó chuyển thành glycol sinh học để tạo ra những loại chai như PlantBottle. Giờ đây, công nghệ mới cho phép Coca-Cola sử dụng nhiều loại nguyên liệu tái tạo hơn trong quá trình sản xuất. Các nguyên liệu thô như phế thải lâm nghiệp hoặc phụ phẩm nông nghiệp có thể trực tiếp tạo ra cồn sinh học mà không cần lương thực – nguồn cung thiếu ổn định như trước, dẫn đến một quy trình đơn giản hơn.
Dana Breed, Giám đốc R&D toàn cầu tại Coca-Cola cho biết: “Mục tiêu của Coca-Cola là sử dụng các sản phẩm nông nghiệp dư thừa để giảm thiểu lượng khí thải carbon. Công nghệ mới do các đối tác mang lại sẽ giúp chúng tôi thực hiện hoá chiến lược này. Đồng thời, Coca-Cola cũng hướng đến việc phát triển các giải pháp bền vững cho toàn bộ ngành. Chúng tôi không coi giải pháp tái tạo hoặc tái chế bao bì là lợi thế cạnh tranh của thương hiệu, chúng tôi muốn các công ty khác tham gia cùng Coca-Cola và cùng tiến lên phía trước”.
Từ khi ra mắt PlantBottle, Coca-Cola đã cho phép các công ty không cùng ngành sử dụng công nghệ tái tạo trong các sản phẩm của họ, từ Heinz Ketchup đến công ty nội thất Ford Fusion. Đến năm 2018, Coca-Cola mở rộng sáng kiến này sang các đối thủ cạnh tranh trong ngành đồ uống nhằm tạo ra ảnh hưởng lớn và nhanh chóng hơn.
Heinz Ketchup và mẫu bao bì PlantBottle sử dụng công nghệ của Coca-Cola
Sự đổi mới lần này hỗ trợ cho tầm nhìn “Thế giới không có rác thải” của thương hiệu, cụ thể là mục tiêu sử dụng ít hơn 3 triệu tấn nhựa từ các nguồn gốc dầu vào năm 2025 được công bố gần đây. Coca-Cola đang nỗ lực tái tạo toàn bộ vòng đời bao bì sản phẩm, từ cách tái chế bao bì, giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch đến xây dựng hệ thống tái nạp. Ngoài ra, công ty còn cam kết sẽ thu gom và tái chế mọi bao bì sản phẩm mà công ty đã bán ra trên toàn cầu vào năm 2030, nhằm đảm bảo không có bao bì nào trở thành chất thải.
Nguồn: Advertisingvietnam