Khi bị ốm, có phải bạn rất muốn ăn hoặc uống những thực phẩm mình thích một cách thoải mái nhất? Và đối với nhiều người, cà phê là một trong số đó. Đối với những người khỏe mạnh, cà phê ít có tác động tiêu cực khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Nó thậm chí có thể cung cấp một số lợi ích về mặt sức khỏe vì rất giàu chất chống oxy hóa. Ngoài ra, caffeine có thể cung cấp một số lợi ích đốt cháy chất béo.
Tuy nhiên, bạn có tự hỏi liệu cà phê có an toàn để uống khi bạn đang bị ốm hay không. Đồ uống này có những ưu và nhược điểm tùy thuộc vào loại bệnh mà bạn đang đối phó vì nó cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Mọi thắc mắc liên quan sẽ được làm rõ trong bài viết này nhé.
Có thể giúp bạn cảm thấy có nhiều năng lượng hơn
Cà phê sáng là một thói quen không thể thiếu đối với nhiều người vì họ cảm thấy mình được thức tỉnh bởi lượng caffeine có trong nó. Trên thực tế, ngay cả cà phê không có caffeine (decaf coffee) cũng có thể có tác dụng kích thích nhẹ đối với một số người do hiệu ứng giả dược.
Đối với nhiều người, sự gia tăng năng lượng mà họ cảm nhận được chính là một trong những lợi ích chính của cà phê, và đây cũng là một trong những lý do khiến họ chọn loại thức uống này khi bị ốm.
Ví dụ, khi cảm thấy uể oải, mệt nhọc thì cà phê sẽ là một trợ thủ đắc lực giúp bạn có thể tiếp tục việc học tập cũng như làm việc của mình.
Ngoài ra, nếu như bạn đang bị cảm nhẹ, thì cà phê có thể giúp bạn có thêm năng lượng trong một ngày dài mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào.
Có thể gây mất nước và tiêu chảy
Tuy nhiên, cà phê cũng có thể có một số tác động tiêu cực. Chất caffeine trong cà phê có tác dụng lợi tiểu, nghĩa là nó có thể hút chất lỏng ra khỏi cơ thể và khiến bạn bài tiết nhiều hơn qua nước tiểu hoặc phân.
Ở một số người, uống cà phê có thể dẫn đến mất nước do tiêu chảy hoặc đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lưu ý rằng lượng caffeine ở mức vừa phải – chẳng hạn như 2 – 3 cốc cà phê mỗi ngày – không có tác dụng đáng kể lên quá trình cân bằng chất lỏng của cơ thể.
Trên thực tế, những người uống cà phê thường xuyên có nhiều khả năng làm quen với tác dụng lợi tiểu của cà phê, đến mức nó không gây ra cho họ bất kỳ vấn đề nào với sự cân bằng chất lỏng.
Đặc biệt nếu như bạn không phải là người uống cà phê thường xuyên, khi bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc cảm cúm nặng, ngộ độc thực phẩm – bạn nên tránh dùng cà phê và chọn các thức uống bổ sung thêm nước chẳng hạn như nước, thức uống thể thao (sport drinks) hay nước ép trái cây pha loãng.
Tuy nhiên, nếu bạn là người uống cà phê thường xuyên, bạn vẫn có thể tiếp tục uống chúng mà không tăng nguy cơ bị mất nước khi ốm.
Có thể kích thích loét dạ dày
Cà phê có tính axit, vì vậy nó có thể gây kích ứng dạ dày ở một số người, chẳng hạn như những người đã có vết loét dạ dày hoặc các vấn đề tiêu hóa liên quan đến axit.
Theo một nghiên cứu trên 302 người bị loét dạ dày, hơn 80% trong số đó báo cáo sự gia tăng của việc đau bụng và các triệu chứng khác sau khi uống cà phê.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 8.000 người không tìm thấy mối quan hệ nào giữa việc uống cà phê và loét dạ dày hoặc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa khác như loét đường ruột hoặc trào ngược axit.
Mối liên hệ giữa cà phê và loét dạ dày dường như rất riêng lẻ. Nếu bạn nhận thấy rằng cà phê gây ra hoặc làm nặng thêm vết loét dạ dày của mình, bạn nên cân nhắc tránh dùng nó hoặc chuyển sang dùng cà phê pha lạnh (cold-brew coffee) vì chúng ít axit hơn.
Phản ứng với một số loại thuốc
Cà phê cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy bạn nên tránh dùng cà phê trong trường hợp này.
Đặc biệt, caffeine có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc kích thích như pseudoephedrine (Sudafed), thường được sử dụng để giúp giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Ngoài ra, nó cũng có thể tương tác với các loại thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, những người uống cà phê thường xuyên vẫn có thể chịu đựng được tác dụng của các loại thuốc này trong khi uống cà phê, vì cơ thể họ đã quen với tác dụng của nó. Nhưng tốt nhất, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc tư vấn dinh dưỡng nếu như muốn dùng cà phê chung với các loại thuốc này.
Cũng có một lựa chọn khác đó là uống cà phê decaf trong khi dùng thuốc, vì caffeine trong cà phê là nguyên nhân gây ra các tương tác đó. Và dĩ nhiên lượng caffeine trong cà phê decaf là rất nhỏ và không đủ để gây ra các phản ứng với thuốc.
Tóm lại
Mặc dù cà phê ở mức độ vừa phải thường vô hại ở người trưởng thành khỏe mạnh nhưng tốt nhất bạn vẫn nên tránh sử dụng khi đang bị bệnh.
Sẽ không sao nếu như bạn uống cà phê khi đang bị cảm nhẹ, nhưng đối với những bệnh nặng hơn với những triệu chứng kèm theo như nôn mửa hoặc tiêu chảy thì cà phê có thể là tác nhân gây ra chúng.
Tuy nhiên, nếu bạn là người uống cà phê thường xuyên thì bạn vẫn có thể tiếp tục uống trong thời gian bệnh mà không gây ra tác dụng phụ.
Nếu bạn nhận thấy cà phê gây ra các kích thích viêm loét dạ dày thì tốt nhất hãy hạn chế dùng chúng.
Cuối cùng, bạn cũng nên tránh dùng cà phê khi đang dùng các loại thuốc pseudoephedrine hoặc kháng sinh vì caffeine có thể phản ứng với chúng.
Tóm lại, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, tư vấn viên dinh dưỡng hoặc các trung tâm y tế nếu như có bất kỳ lo ngại nào về các phản ứng có thể xảy ra khi uống cà phê cùng với các loại thuốc đang dùng nhé.
Source: https://www.healthline.com/nutrition/coffee-when-sick
Dịch và biên tập bởi đội ngũ Science Vietnam
Vui lòng để lại nguồn và link bài viết khi sao chép