Cùng với việc công bố báo cáo Brand Footprint toàn cầu lần thứ 8, bộ phận Worldpanel thuộc Kantar hân hạnh giới thiệu ấn phẩm hằng năm lần thứ 2 của Brand Footprint châu Á, tập trung cụ thể tại 7 thị trường: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Bảng xếp hạng được dựa trên cơ sở nghiên cứu của bộ phận Worldpanel.
Tại Việt Nam, Kantar công bố Top 10 nhà sản xuất trong ngành hàng FMCG và Top 10 thương hiệu trong các lĩnh vực Sức khoẻ & Sắc đẹp, Sản phẩm chăm sóc gia đình, Thực phẩm, Đồ uống, Sữa và các sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị 4 thành phố (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam.
Unilever liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng ở khu vực Nông thôn, phần lớn nhờ vào việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, không chỉ giúp bắt kịp làn sóng “Tăng cường an toàn vệ sinh” trong các hộ gia đình Việt, mà còn giúp mở rộng sự nhận biết về thương hiệu. Hơn nữa, với sự xuất hiện không mong muốn của đại dịch COVID-19, nhu cầu cho các sản phẩm vệ sinh vẫn tiếp tục tăng cao, mang lại cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai.
Vinamilk một lần nữa được ghi nhận là nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất tại Thành thị (4 TP chính) trong 8 năm liên tiếp và tạo ra khoảng cách an toàn với các tay đua khác trên bảng xếp hạng. Nhà sản xuất nội địa này đã tiếp cận được hơn 80% hộ gia đình Việt nhờ vào các hoạt động quảng cáo nhấn mạnh giá trị dinh dưỡng mà sản phẩm của họ mang lại cũng như không ngừng đổi mới hình ảnh với nhiều sản phẩm mới được tung ra nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Là nhà sản xuất duy nhất đạt tăng trưởng CRP ở mức hai chữ số trong bảng xếp hạng ở Nông thôn Việt Nam, Nestlé thể hiện đáng chú ý khi thu hút thêm gần nửa triệu người mua mới ở khu vực này, một phần nhờ vào sự mở rộng danh mục sản phẩm.
Calofic – duy trì tăng trưởng tích cực ở cả Thành thị (4 TP chính) và Nông thôn Việt Nam, đóng góp chủ yếu đến từ Simply – một trong những thương hiệu dầu ăn của nhà sản xuất này thông qua các hoạt động tiếp thị và truyền thông năm vừa qua.
Mảng Thực phẩm
Hảo Hảo và Nam Ngư tiếp tục giữ vững vị trí là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất lần lượt ở khu vực Thành thị (4 TP chính) và Nông thôn Việt Nam. Mặc dù đã tiếp cận được một mạng lưới người tiêu dùng lớn mạnh, Nam Ngư vẫn tiếp tục thu hút thêm 250,000 người mua mới ở khu vực Nông thôn trong năm qua. Cũng ở khu vực này, nhờ vào hình ảnh thương hiệu cũng như các chiến dịch quảng cáo thường xuyên, Hảo Hảo tăng 1 hạng và ghi tên của mình trong top 3 các thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất.
Đáng chú ý, Chin-su cho thấy một sự thể hiện tích cực và trở thành thương hiệu thu hút được nhiều người mua mới nhất trong top 10 ở cả Thành thị (4 TP chính) và Nông thôn Việt Nam. Thương hiệu chủ chốt của Masan này đã ghi nhận mức tăng trưởng CRP đáng kể là 15% ở Thành thị và 9% ở Nông thôn nhờ vào các chiến dịch quảng bá vào mùa Tết, cũng như không ngừng tài trợ cho các chương trình từ thiện để mở rộng sự nhận diện về thương hiệu của mình.
Ở khu vực Nông thôn, Simply lần đầu ghi tên của mình vào bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất, đạt mức tăng trưởng CRP vượt trội +11% trong top 10, một phần nhờ vào hệ thống phân phối rộng khắp ở tất cả các kênh.
Mảng Thức uống
Ngoài việc giữ vững vị trí thương hiệu được chọn mua nhiều nhất thế giới, Coca-Cola tiếp tục đứng đầu bảng xếp hàng Thức uống ở khu vực Thành thị (4 TP chính) Việt Nam. Ngoài ra, nhờ vào các chiến dịch quảng cáo thành công giúp khơi dậy tinh thần dân tộc cũng như tinh thần bóng đá của người hâm mộ, nhà vô địch này bước lên 1 bậc trong bảng xếp hạng ở Nông thôn với mức tăng trưởng CRP ổn định là 7%.
Ở khu vực Thành thị (4 TP chính), La Vie tăng thêm 2 bậc trong bảng xếp hạng. Thương hiệu của Nestlé này toả sáng với mức tăng trưởng CRP 6% và thu hút hơn 100,000 hộ mua mới. Điều này phần lớn nhờ vào các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm mới, đa dạng hoá lựa chọn cho người tiêu dùng chẳng hạn như nước giải khát có ga hương trái cây La Vie Sparking Water.
Thú vị hơn, 4 trong 10 thương hiệu FMCG trong bảng xếp hạng Thức uống thuộc về các thương hiệu cà phê, phản ánh văn hoá và thói quen của người tiêu dùng Việt. Vinacafé – lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng ở Thành thị 4 TP chính, thể hiện ấn tượng khi tăng 3 hạng và trở thành thương hiệu có mức tăng trưởng CRP nhanh nhất trong ngành FMCG. Trong khi đó, G7 và Maccoffee cũng lần lượt di chuyển 2 bước vào top 6 và top 8 trong bảng xếp hạng ở khu vực Nông thôn.
Tăng vọt 4 hạng, Mirinda đã cho thấy một màn trình diễn ấn tượng khi ghi tên của mình trong bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu thức uống được chọn mua hàng đầu ở khu vực Nông thôn với mức tăng CRP là 28%. Hơn nữa, thương hiệu này còn thu hút thêm 560,000 người mua mới ở Nông thôn thông qua các chiến dịch quảng cáo của mình đặc biệt vào dịp Tết cũng như làm mới trải nghiệm người dùng với hương vị mới – Mirinda soda kem.
Mảng Sữa và sản phẩm thay thế sữa
Mảng Sữa và sản phẩm thay thế sữa
Vinamilk tiếp tục là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả Thành thị (4 TP chính) và Nông thôn với mạng lưới tiêu dùng rộng khắp, đặc biệt là ở Thành thị (4 TP chính) nơi có gần 92% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của họ, cao hơn nhiều so với các thương hiệu khác trong Top 10. Ngoài ra, thương hiệu này còn thu hút thêm được gần 120,000 hộ gia đình mới ở khu vực Nông thôn bằng cách liên tục nhấn mạnh hình ảnh và giá trị thương hiệu với sự đầu tư vào nhiều mặt hàng cao cấp, tốt cho sức khỏe như các sản phẩm hữu cơ, sữa hạt.
Ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 20% về CRP ở Nông thôn Việt Nam, TH true MILK được vinh danh là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong Top 10 nhờ đa dạng danh mục sản phẩm, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng như TH True Juice, TH True Water, TH True Rice, TH True Nut…
Mặc dù đã xây dựng được cho mình một chỗ đứng vững chắc, Milo vẫn không ngừng ghi dấu ấn của mình ở khu vực Nông thôn với mức tăng trưởng CRP hai chữ số là 16% và mở rộng độ phủ với hơn 420,000 hộ mua mới. Thương hiệu Nestlé này vẫn tiếp tục tập trung vào xu hướng dinh dưỡng và tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua hoạt động truyền thông tiếp thị.
Với xu hướng tăng cường sức khoẻ cũng như ưa chuộng sự tiện lợi của người tiêu dùng Việt trong những năm gần đây, sữa chua uống đã cho thấy những bước phát triển khả quan ở cả Thành thị (4 TP chính) và Nông thôn. Nắm bắt cơ hội đó với sự đầu tư tập trung vào hệ thống phân phối, Yakult ghi nhận thành tựu đáng kể khi tăng 23% CRP và tăng 3 hạng trong bảng xếp hạng ở Thành thị (4 TP chính). Đây cũng là lần đầu tiên thương hiệu này xuất hiện trong top 10 được chọn mua nhiều nhất.