Có thể nói rằng, tiêu thụ dư thừa chất béo có thể làm tăng trọng lượng cơ thể và tăng nguy cơ béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim, đồng thời bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trên toàn thế giới. Lựa chọn thực hiện các chế độ ăn uống lành mạnh là một cách để bảo vệ sức khỏe của tim và mạch máu.
Bên cạnh đó, các cuộc tranh luận về việc liệu bơ thực vật hay bơ động vật có lợi cho sức khỏe hơn vẫn đang diễn ra.
Bơ động vật và bơ thực vật là gì?
Bơ/ bơ động vật (butter) là một sản phẩm từ sữa mà các nhà sản xuất tạo ra bằng cách khuấy kem hoặc sữa để tách các thành phần chất béo rắn ra khỏi chất lỏng. Mọi người thường sử dụng bơ trong nấu ăn, làm bánh và quết bánh mì.
Bơ thực vật (margarine) là một sản phẩm thay thế cho bơ. Các nhà sản xuất sản xuất margarine từ các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật, như dầu cải (canola oil), dầu hạt cọ (palm fruit oil) và dầu đậu nành.
Mặc dù bơ và bơ thực vật có các thành phần khác nhau, có thể chứa một lượng lớn chất béo khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất béo đều gây hại cho sức khỏe và chất béo bão hòa có thể không gây hại như các nhà nghiên cứu từng nghĩ, theo một bài báo năm 2018. Nhưng điều này vẫn còn gây tranh cãi.
Bơ động vật và bơ thực vật, loại nào dành cho bạn?
Việc quyết định chọn bơ hay bơ thực vật phụ thuộc vào nhu cầu ăn uống cụ thể của từng người.Khi cộng đồng y tế quyết định rằng bơ không có lợi cho sức khỏe vì hàm lượng chất béo bão hòa có trong bơ, các nhà khoa học thực phẩm đã tạo ra bơ có nguồn gốc từ dầu thực vật mà họ cho rằng nó có lợi cho sức khỏe hơn.
Quá trình sản xuất margarine được gọi là hydro hóa. Quá trình này chuyển hoá dầu thực vật từ lỏng thành rắn ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, nghiên cứu cuối cùng đã phát hiện ra rằng chất béo chuyển hóa có trong bơ thực vật, làm tăng lipoprotein tỷ trọng thấp – LDL (cholesterol xấu) và làm giảm lipoprotein tỷ trọng cao – HDL (cholesterol tốt).
Do đó Margarine đã nổi tiếng về việc chứa một loạt các hóa chất độc hại.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất hiện đã loại bỏ phần lớn chất béo trans do con người tạo ra khỏi nguồn cung cấp thực phẩm. Điều này được đưa ra sau khi FDA quyết định vào năm 2015, rằng các nhà sản xuất nên loại bỏ chúng trong vòng 5 năm tới.
Sự khác biệt giữa hai loại bơ
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai loại là bơ có nguồn gốc từ sữa và rất giàu chất béo bão hòa, trong khi margarine được làm từ dầu thực vật. Nó từng chứa rất nhiều chất béo trans, nhưng như đã đề cập ở trên, các nhà sản xuất hiện đã bắt đầu loại bỏ chúng.
Ban cố vấn của hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) năm 2017 cho thấy rằng chất béo bão hòa làm tăng mức LDL cholesterol do ảnh hưởng của nó đối với nồng độ cholesterol tổng thể trong các động mạch.
Tuy nhiên, chất béo bão hòa làm tăng mức LDL cholesterol ít hơn chất béo trans và nó không ảnh hưởng đến HDL.
Không có lựa chọn nào 100% tốt cho sức khỏe khi nói đến bơ hoặc margarine. Tuy nhiên, một người có thể chọn tùy chọn sản phẩm có lợi nhất cho chế độ ăn uống và nhu cầu của họ.
Để làm như vậy, họ có thể tìm kiếm margarine có lượng chất béo trans thấp nhất, tốt nhất là 0 gram và kiểm tra thành phần trên nhãn cho các loại dầu hydro hóa một phần.
Ngoài ra, hãy lưu ý rằng các công ty thực phẩm có thể tuyên bố rằng một sản phẩm không chứa chất béo trans nếu nó chứa ít hơn 0,5 g trên mỗi khẩu phần. Nếu margarine chứa dầu hydro hóa một phần, nó sẽ chứa chất béo trans, ngay cả khi nhãn tuyên bố rằng nó có 0 gram.
Đối với bơ, mọi người nên cố gắng chọn các loại bơ có nguồn gốc từ bò với khẩu phần ăn chính là cỏ (grass-fed butter), nếu có thể.
Thêm bơ hoặc bơ thực vật vào bữa ăn hoặc công thức nấu ăn sẽ thêm calories mà có thể mọi người không cần xem xét qua. Và những thành phần này cũng có thể phục vụ một mục đích quan trọng trong bữa ăn như là một nguồn chất béo.
Cơ thể cần chất béo để hoạt động và hấp thụ chất dinh dưỡng. Chất béo cũng tạo một cảm giác no. Nếu ăn một bữa ăn không có chất béo, mọi người có thể cảm thấy đói trở lại ngay sau đó.
Một mối quan tâm khác của nhiều người là hàm lượng cholesterol có trong bơ. Chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật mới chứa cholesterol. Hầu hết bơ thực vật chứa ít hoặc không có cholesterol, trong khi bơ chứa một lượng cholesterol đáng kể.
Một số người có thể cần tuân theo chế độ ăn kiêng kiểm soát cholesterol như thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh tim hoặc tăng cholesterol máu. Những người cần tiêu thụ ít cholesterol hơn có thể chuyển từ bơ động vật sang bơ thực vật.
Thành phần dinh dưỡng của bơ
Một thìa bơ lạt 14.2 gram có chứa:
- 102 calories
- 11.5 g chất béo
- 7.17 g chất béo bão hoà
- 30.5 mg cholesterol
- 0 g of carbohydrate
- 0 g of sugar
Bơ bao gồm kem được đem đi thanh trùng. Đôi khi, các nhà sản xuất cũng thêm muối. Ở những quốc gia bò được chăn nuôi có khẩu phần ăn chính là cỏ, thì việc tiêu thụ loại bơ này có mối liên hệ với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim đáng kể.
Điều này có thể là do các sản phẩm sữa (từ các chú bò có thức ăn chính là cỏ) chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao hơn rất nhiều và quan trọng đối với sức khỏe của tim.
Còn lại các loại bơ thông thường chứa ít dinh dưỡng hơn đáng kể.
Các loại bơ margarine
Margarine có thể chứa một loạt các thành phần. Các nhà sản xuất thêm muối và các hợp chất khác vào bơ thực vật để giữ hương vị và cấu trúc cho người tiêu dùng. Chúng bao gồm maltodextrin, lecithin đậu nành và monoglyceride hoặc diglyceride.
Họ cũng có thể sử dụng dầu ô liu, dầu hạt lanh và dầu cá trong quá trình sản xuất. Một số nhà sản xuất bơ thực vật có thể thêm vitamin A và muối.
Tuy nhiên, nhiều loại bơ thực vật không chứa hương liệu nhân tạo và chất bảo quản.
Một số loại bơ thực vật chỉ được sử dụng để quết bánh mì và thường tìm kiếm các lựa chọn thay thế khi nướng hoặc nấu ăn.
Những người bị dị ứng đậu nành, sữa hoặc nhạy cảm các thành phần khác, cần đọc nhãn và so sánh các nhãn hiệu để tìm ra loại bơ thực phẩm phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích cá nhân.
Dưới đây là ba loại bơ margarine khác nhau:
Stick margarine (bơ thực vật dạng khối)
Một thìa bơ lạt thực vật 14.2 gram có chứa:
- 102 calories
- 11,5 g chất béo
- 2,16 g chất béo bão hòa
- 0 g cholesterol
- 0 g carbohydrate
- 0 g đường
Loại bơ thực vật này có thể chứa ít calories hơn một chút so với bơ, nhưng một số sản phẩm có thể chứa chất béo trans.
Light margarine (bơ thực vật dạng mềm/ quết bánh)
Một thìa bơ mềm 14.2 gram có chứa:
- 50 calories
- 5,42 g chất béo
- 0,67 g chất béo bão hòa
- 0 g chất béo trans
- 0 g cholesterol
- 0,79 g carbohydrate
- 0 g đường
Light margarine chứa tỷ lệ nước cao hơn bơ thực vật truyền thống, làm cho nó ít calo và chất béo. Mặc dù nó chứa ít chất béo bão hòa hơn bơ thực vật thông thường, nhưng vẫn có thể chứa một số loại dầu hydro hóa một phần.
Margarine với phytosterol
Một số loại bơ thực vật có chứa các hợp chất thực vật gọi là phytosterol.
Phytosterol có cấu trúc tương tự cholesterol. Kết quả là, chúng cạnh tranh với cholesterol để hấp thụ trong cơ thể, làm giảm lượng cholesterol mà cơ thể hấp thụ. Điều này có thể làm giảm mức cholesterol trong máu. Margarine phytosterol chứa hỗn hợp các loại dầu, chẳng hạn như dầu ô liu hoặc dầu hạt lanh.
Tuy nhiên, một bài luận năm 2011 trên tạp chí Nghiên cứu Tim mạch cho rằng phytosterol có thể có tác dụng gây hại riêng trên thành mạch máu.
Các nhà nghiên cứu đã nói gì?
Vẫn còn nhiều tranh cãi và quan điểm y học khác nhau về việc bơ nhiều hay ít thì có lợi cho sức khỏe hơn bơ thực vật.
Một nghiên cứu năm 2017 đã đo lường tác động của lượng chất béo bão hòa từ phô mai và bơ đối với LDL cholesterol ở 92 người bị béo bụng.
Kết quả kiểm tra cả hai chế độ ăn phô mai và bơ đều làm tăng LDL cholesterol nhiều hơn so với các kiểm tra về chế độ ăn kiêng ít chất béo, carbohydrate cao, chất béo không bão hòa đa cao và chất béo không bão hòa đơn.
Tuy nhiên, không có tác động đến các dấu hiệu viêm, huyết áp, hoặc nồng độ insulin hoặc glucose giữa tất cả các chế độ ăn kiêng được thử nghiệm. Những dấu hiệu này thường cao hơn bình thường ở những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu khác năm 2018 đã so sánh ảnh hưởng của ba chế độ ăn uống đối với các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Những chế độ ăn kiêng này có thêm dầu dừa nguyên chất, dầu ô liu nguyên chất hoặc bơ.
Những người đứng đầu nghiên cứu đã tuyển dụng người trưởng thành khỏe mạnh để sử dụng 50 g một trong những chất béo này hàng ngày trong 4 tuần. Kết quả cho thấy, bơ làm tăng LDL cholesterol nhiều hơn dầu ô liu hoặc dầu dừa. Tuy nhiên, không có chế độ ăn kiêng nào trong ba chế độ ăn này dẫn đến thay đổi trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), mỡ bụng, chỉ số đường huyết hoặc huyết áp.
Do đó, các tác giả kết luận rằng các yếu tố khác ngoài các loại chất béo, đòi hỏi cần phải điều tra xem xét lượng chất béo trong chế độ ăn uống và mối quan hệ của nó với sức khỏe con người.
Một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí The American Journal of Clinical Nutrition đã so sánh tác động của bơ thực vật và bơ dựa trên nồng độ lipid trong máu ở những người có và không bị béo phì.
Kết quả cho thấy mức LDL thấp hơn ở tất cả những người tham gia sử dụng bơ thực vật gốc dầu thay vì bơ động vật. Những người mắc bệnh béo phì cho thấy sự cải thiện về mức độ LDL ít hơn so với những người nằm trong phạm vi BMI lý tưởng.
Bên cạnh đó, các tác giả đã phân tích kết quả từ nhiều nghiên cứu và kết luận rằng không có bằng chứng chất lượng nào tồn tại để hỗ trợ hiệu quả của chế độ ăn kiêng chứa chất béo không bão hòa nhiều hơn để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tim.
Kết luận
Các cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu bơ hay bơ thực vật là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe có thể tiếp tục trong một thời gian. Tuy nhiên, điều này có thể không thực sự lợi ích cho các cuộc thảo luận tổng thể về dinh dưỡng và sức khỏe trong thời gian dài.
Cơ thể mỗi người có thể phản ứng khác nhau với chế độ ăn có chất béo dựa trên xu hướng di truyền, tình trạng sức khỏe hiện tại, giới tính và mô hình dinh dưỡng tổng thể của họ.
Bơ có thể làm tăng LDL cholesterol , nhưng một số nghiên cứu dường như không xác nhận rằng nó ảnh hưởng xấu đến các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim hoặc đột quỵ.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế không còn thấy bơ thực vật có dầu gây hại cho sức khỏe và dường như làm giảm LDL cholesterol.
Nhiều yếu tố khác như lối sống và di truyền, đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh tim mạch. Lời khuyên tốt nhất là nên tập trung vào thay đổi lối sống để có thể cải thiện sức khỏe và hạnh phúc tổng thể, thay vì tập trung vào một thành phần ăn kiêng.
Dịch và biên tập bởi đội ngũ ScienceVietnam.com – Vui lòng ghi rõ nguồn và để lại link bài viết khi sao chép.
Nguồn dịch: https://www.medicalnewstoday.com/articles/304283#summary