Aspartame: Kiến thức khoa học về đường Aspartame

0
178
Aspartame
Aspartame

Trong vài năm gần đây, Aspartame nhận được khá nhiều phản ứng tiêu cực. Vì vậy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sự an toàn của chất làm ngọt nhân tạo này. Những chuỗi thư điện tử được truyền cho nhau có chứa thông tin sai lệch về aspartame ngày càng một phổ biến. Điều này khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng và liên tục kiểm tra nhãn của thực phẩm và cấm con họ ăn hoặc uống bất kỳ sản phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo nào, thậm chí còn có một số cá nhân tự chẩn đoán mình đang bị nhiễm độc do aspartame.

Aspartame
Aspartame

Aspartame là gì?

Aspartame là một chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường saccharide được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống. Ở Liên minh Châu Âu, nó được viết tắt là E951. Chúng bao gồm hai loại phân tử tạo nên protein. Những phân tử này được gọi là axit amin và rất phổ biến trong thực phẩm. Aspartame là một este methyl của aspartic acid / phenylalanine dipeptide. (tham khảo wikipedia)

Aspartame được cơ thể xử lý như thế nào?

Khi aspartame được tiêu hóa, nó được phân thành hai loại axit amin là aspartic acid và phenylalanine. Một lượng nhỏ methanol cũng được sản xuất. Những thành phần này cũng được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm, chẳng hạn như thịt, sữa, trái cây và rau quả. Cơ thể sẽ xử lý các thành phần này theo cùng một cách bất kể chúng đến từ aspartame hay từ thực phẩm. Trên thực tế, các thành phần này được cung cấp với số lượng cao hơn nhiều từ các sản phẩm thực phẩm thông thường được tiêu thụ hàng ngày so với aspartame.

Tại sao Aspartame lại trở nên phổ biến như vậy?

Aspartame có vị giống như đường ăn (sucrose) nhưng nó ngọt hơn 180 đến 200 lần. Chúng không góp phần gây sâu răng và cung cấp ít năng lượng hơn so với đường, chính vì vậy, aspartame thường được rất ưa dùng trong chế độ ăn kiêng.

Những sản phẩm nào có chứa aspartame?

Có rất nhiều loại thực phẩm được làm ngọt bằng aspartame. Một số ví dụ bao gồm chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp (ví dụ: Canderel, Nutrasweet), nước ngọt có ga, bánh pudding, các món tráng miệng đông lạnh, sữa chua, kẹo cao su và một số kẹo vitamin bổ sung.

Làm thế nào để nhận biết một sản phẩm có chứa aspartame hay không?

Hãy xem danh sách thành phần trên bao bì sản phẩm và tìm từ “aspartame”.

Aspartame có an toàn không?

Sự an toàn của aspartame đã được công nhận bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tại Hoa Kỳ, bởi Ủy ban Khoa học Thực phẩm (SCF) của Ủy ban Châu Âu, Bộ Y tế Thế giới, Bộ Y tế Nam Phi và các cơ quan quản lý của hơn 100 quốc gia khác. Hơn 200 nghiên cứu y khoa đã kiểm chứng sự an toàn của aspartame trên người bình thường, bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ mang thai và cho con bú, và trẻ em. Vào tháng 12 năm 2002, độ an toàn của aspartame đã được xác nhận lại bởi Ủy ban khoa học về thực phẩm, một hội đồng chuyên gia khoa học độc lập tư vấn cho EU về các vấn đề an toàn thực phẩm.

Có những người mắc bệnh phenylketone niệu (PKU), một bệnh di truyền hiếm gặp gây ra do không có các enzyme cần thiết cho sự phân hủy phenylalanine. Do đó, họ nên kiểm soát lượng phenylalanine từ tất cả các nguồn bao gồm cả aspartame. Điều này đặc biệt đúng với các bà mẹ mang thai bị tình trạng này. PKU ảnh hưởng đến khoảng một trong 10000 cá nhân – vì vậy, cần phải có những cảnh báo có chứa “aspartame” hoặc “phenylalanine” trên nhãn thực phẩm để bảo vệ những cá nhân này.

Những cáo buộc người dùng bị mù, ung thư và các bệnh khác?

Những cáo buộc aspartame có liên quan đến các bệnh trên vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên những lời đồn thổi về aspartame vẫn tiếp tục được lan truyền trên internet dù cho vẫn chưa có bằng chứng được xác thực bởi các nghiên cứu khoa học và y tế. Gần đây, một số chính phủ và ủy ban chuyên gia đã một lần nữa đánh giá lại các cáo buộc này và nhận thấy chúng hoàn toàn không chính xác và xác nhận lại về sự an toàn của aspartame.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Viện Ung thư Quốc gia, Hội Đa xơ cứng có trụ sở tại Hoa Kỳ và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đều xác nhận rằng không có mối quan hệ nào giữa aspartame và ung thư, khối u, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson hay bệnh đa xơ cứng.

Mặc dù methanol, một chất có thể gây mù, được tạo ra khi aspartame được tiêu hóa, nhưng lượng này rất nhỏ – cần phải uống khoảng 675 đến 1690 lon nước ngọt có đường aspartame để đạt đến ngưỡng nguy hiểm này. Nhiều sản phẩm còn cung cấp methanol nhiều lần hơn so với thực phẩm có vị ngọt aspartame. Ví dụ, một ly nước ép cà chua cung cấp lượng methanol nhiều hơn khoảng 6 lần so với một ly nước ngọt có đường aspartame trung bình.

Có thể sử dụng aspartame tại nhà để nấu ăn hoặc nướng bánh không?

Aspartame có thể được sử dụng trong rất nhiều công thức nấu ăn rất hiệu quả. Tuy nhiên, tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể gây mất độ ngọt, vì vậy, nên sử dụng chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp như aspartame vào cuối quá trình nấu. Mặc dù độ ngọt có thể giảm, nhưng thực phẩm chứa aspartame đã qua quá trình hâm nóng trong một thời gian dài vẫn an toàn cho người tiêu dùng.

Lượng aspartame sử dụng bao nhiêu là an toàn?

Ở Mỹ, FDA sử dụng khái niệm Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI) cho nhiều phụ gia thực phẩm, bao gồm cả aspartame. Giá trị này thể hiện mức độ tiếp nhận mà nếu duy trì mỗi ngày trong suốt cuộc đời của một người thì sẽ vẫn an toàn. ADI cho aspartame ở Hoa Kỳ là 50 miligam mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày và để đạt được điều này, một người trưởng thành sẽ phải tiêu thụ khoảng 20 lon nước uống có ga hoặc 97 khẩu phần chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp (ví dụ Canderel) mỗi ngày.

Vậy, việc sử dụng aspartame đã được khoa học chứng minh là an toàn. Bất kỳ thông tin tuyên bố nào khác nên được xem xét kỹ lưỡng với các bằng chứng khoa học rõ ràng.

Trên đây là những kiến thức khoa học giải thích về aspartame là gì mà Science Vietnam đã cung cấp.
Bản quyền bài viết thuộc về đội ngũ Science Vietnam. Vui lòng để lại nguồn và link bài viết khi sao chép.