GMP thực phẩm chức năng (TPCN) – Việc áp dụng tiêu chuẩn gmp vào trong sản xuất TPCN là cần thiết. Vậy gmp là gì, và ý nghĩa của GMP trong TPCN như thế nào, cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Tổng quan về khái niệm GMP
GMP là viết tắt của từ gì?
GMP là viết tắt của cụm từ Good Manufacturing Practice, có nghĩa là thực hành sản xuất tốt.
Tiêu chuẩn GMP là gì?
GMP là hệ thống các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm kiểm soát các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. GMP là một tiêu chuẩn cơ bản, để phát triển hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.
Các yêu cầu trong tiêu chuẩn GMP
Nhà xưởng và phương tiện chế biến
Theo tiêu chuẩn GMP, khu nhà xưởng và các phương tiện phục vụ việc chế biến sản phẩm phải được thiết kế, lắp đặt theo đúng trình tự dây chuyền công nghệ sản xuất. Nhà xưởng phải được phân thành các khu chức năng khác nhau: khu chứa nguyên liệu, khu chế biến, khu đóng gói, khu bảo quản,…Những quy định này nhằm không gây lẫn lộn giữa sản phẩm thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu; giữa bao bì, phế liệu, hóa chất với sản phẩm.
Điều kiện vệ sinh
Không gian nhà xưởng, các thiết bị-dụng cụ phục vụ sản xuất, các phương tiện vật chất phải đảm bảo điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn. bên cạnh đó, hệ thống cấp-thoát nước, các bề mặt trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, phụ phẩm, chất thải…phải hoạt động tốt và đáp ứng yêu cầu vệ sinh cơ bản.
Quá trình chế biến
Các doanh nghiệp sản xuất phải có những biện pháp cụ thể để kiểm soát chất lượng nguyên liệu, quá trình chế biến; giám sát các hoạt động vệ sinh; triển khai các biện pháp phòng ngừa guy cơ nhiểm bẩn; thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học ở các công đoạn cần thiết để xác định nguy cơ lây nhiểm.
Sức khỏe người lao động
Các đơn vị sản xuất phải triển khai các chương trình khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để chủ động phát hiện, hỗ trợ điều trị và cách ly những lao động mắc căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây sang sản phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Những lao động trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm trang bị trang phục bảo hộ và tuân thủ các quy định an toan vệ sinh.
Bảo quản và phân phối sản phẩm
Theo tiêu chuẩn GMP, khâu bảo quản, phân phối sản phẩm cũng cần phải tránh các tác nhân lý, hóa, sinh( môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sang)…làm phân hủy, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Những lý do phải áp dụng GMP trong sản xuất TPCN
GMP là công cụ để bảo đảm sản xuất TPCN an toàn
GMP thực sự là một công cụ có hiệu quả để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), có khả năng ngăn ngừa một cách chủ động nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người sử dụng. GMP là quy phạm sản xuất, tức là các biện pháp, thao tác thực hành cần tuân thủ ở từng công đoạn hoặc một phần công đoạn cho từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm, từ khâu tiếp nhận nguyên liệu cho đến thành phẩm cuối cùng.
Đáp ứng xu thế quản lý ATTP trên thế giới
Để có thể “lấn sân” sang thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải luôn luôn cập nhật các xu thế mới và không được phép tụt hậu. Xu thế quản lý ATTP đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu có các đặc điểm chính sau:
– Chuyển từ kiểm tra thành phẩm sang kiểm soát quá trình. Cũng giống như việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và trước khi mang thai, cha mẹ có khỏe mạnh thì mới sinh ra được những đứa con khỏe mạnh, không mắc bệnh di truyền. Sản phẩm TPCN muốn tốt thì phải chuẩn hóa từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sản xuất…
– Chuyển từ kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sang kiểm soát các yếu tố tác động tới chất lượng trong quá trình sản xuất.
– Chuyển từ loại bỏ thụ động các sản phẩm sai lỗi sang phòng ngừa chủ động và toàn diện các nguy cơ gây sai lỗi.
– Chuyển từ kiểm tra độc lập sang công nhận, thừa nhận lẫn nhau.
Đáp ứng yêu cầu của tiến trình hòa nhập và đòi hỏi của thị trường
Các nước gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như tham gia các tổ chức, Hiệp định, Liên minh quốc tế (ví dụ TPP – Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) đều phải chấp nhận sự hài hòa các quy định pháp luật cũng như hài hòa các tiêu chuẩn.
Trong Luật TPCN và Giáo dục DSHEA 1994 (Dietary Supplement Health and Education Act of 1994) của Mỹ – một trong những “ông lớn” trong ngành TPCN nhấn mạnh rằng: “Supplements must be in Compliance with Current Good Manufacturing Practices”, nghĩa là TPCN phải tuân thủ GMP hiện tại. Luật TPCN của Hàn Quốc cũng khẳng định rằng: Thiết lập tiêu chuẩn GMP và áp dụng cho sản xuất TPCN.
Các nước khác như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia, EU … đều quy định áp dụng bắt buộc áp dụng GMP cho sản xuất TPCN và TPCN muốn nhập khẩu phải có chứng nhận GMP.
Điều đó chứng tỏ tuân thủ GMP là yêu cầu của toàn nhân loại.
Xuất phát từ thực trạng sản xuất TPCN trong nước
Hoạt động sản xuất TPCN ở Việt Nam đang bùng nổ mất kiểm soát. Bằng chứng là trong năm 2000, nước ta mới chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm TPCN. Năm 2013, số cơ sở sản xuất đã tăng lên 3.512 với 6.851 sản phẩm TPCN. Vậy mà đến năm nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được một tiêu chuẩn nào về TPCN. Các văn bản quản lý chưa đầy đủ và còn quá nhiều khiếm khuyết. PGS.TS Trần Đáng lấy ví dụ:
– Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN được ghi trong Điều 14/Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 Quy định về quản lý TPCN: “Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế”.
– Điều 3/Thông tư 16/2012/TT-BYT ngày 22/10/2012 lại ghi: “Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và người trực tiếp sản xuất TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phải tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại các điều 1,2,3, Thông tư số 15/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế”.
– Điều 1,2,3 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế là: “Điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, trong đó:
+ Điều 1: Yêu cầu đối với cơ sở
+ Điều 2: Yêu cầu đối với TTB- Dụng cụ
+ Điều 3: Yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất”.
PGS.TS Trần Đáng cho rằng đây là những yêu cầu rất chung chung cho thực phẩm thường như cơ sở sản xuất nước đóng chai, cơ sở làm bánh trung thu, cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở chế biến thịt lợn… với các yêu cầu rất đơn giản, từ nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ cho đến con người. Liệu rằng với những điều kiện như vậy có thể sản xuất ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả?
Thêm vào đó, nguy cơ mất an toàn về sản xuất TPCN trong nước đang bộc lộ rất trầm trọng: Thiếu quy định phù hợp về điều kiện nguồn nguyên liệu (GAP), điều kiện để sản phẩm được lưu hành, quy định về thành phần được phép sử dụng/thành phần cấm cũng như quy định đánh giá tính chất lượng, tính an toàn, tính hiệu quả…. Thực trạng này cho thấy GMP là cần thiết và thực sự cấp bách lúc này.
GMP không chỉ đảm bảo để sản xuất ra TPCN chất lượng
GMP TPCN còn là công cụ để:
– Sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất TPCN không đủ điều kiện.
– Giảm thiểu hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.
– Xây dựng ngành TPCN ở Việt Nam thành một ngành kinh tế – y tế, phát triển bền vững, lành mạnh vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng, ngành công nghiệp thực phẩm và cả chính phủ
Áp dụng GMP TPCN sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trong đó, lợi ích lớn nhất là khẳng định chất lượng và tạo dựng niềm tin, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Đó là cơ sở để đưa TPCN thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. Khi đó, người tiêu dùng không chỉ được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng mà còn tăng nhận thức về vệ sinh cơ bản, thêm tin tưởng vào hàng Việt Nam và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đối với ngành công nghiệp thực phẩm, áp dụng GMP TPCN giúp tăng số lượng người tiêu dùng, tăng độ tin cậy của Chính phủ; Đảm bảo giá cả; Tăng khả năng cạnh tranh và tiếp thị; Giảm chi phí cho sản phẩm hỏng và thu hồi; Cải tiến quá trình sản xuất và môi trường; cải tiến năng lực quản lý đảm bảo An toàn thực phẩm và tăng cơ hội kinh doanh, hội nhập.
Đối với chính phủ, áp dụng GMP TPCN giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng; Nâng cao hiệu quả và kiểm soát An toàn thực phẩm; Giảm chi phí cho sức khỏe cộng đồng; Tạo điều kiện cho phát triển thương mại của đất nước và tăng lòng tin của người dân vào việc cung cấp thực phẩm cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích được quý độc giả!